Ngành Công thương Thái Nguyên đang đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các DN đang hoạt động để chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Chính – Giám đốc Sở Công Tshương tỉnh Thái Nguyên.
- Thước đo quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính là hài lòng của doanh nghiệp, thưa ông?
Trong thời gian qua, ngành Công thương luôn nỗ lực kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa các thủ tục, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ.
Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở là 121 thủ tục. Trước đó, ngành đã bãi bỏ 02 TTHC, giảm 01 thành phần hồ sơ TTHC và giảm thời gian giải quyết 09 TTHC để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các TTHC cho doanh nghiệp.
Các TTHC được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 89,8%. 100% hồ sơ TTHC lĩnh vực ngành đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ quá hạn.
Trong nhiều năm liền, Sở Công Thương có chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 90%, đây là kết quả nỗ lực của Sở trong công tác cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Thưa ông, việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử là một chỉ tiêu quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế?
Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Sở Công Thương đã có nhiều giải pháp nhằm đưa thương mại điện tử được sử dụng, ứng dụng phổ biến; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, Sở Công thương đã đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Thái Nguyên được duy trì ổn định và phát huy tốt vai trò. Qua đó, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, Sở hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư và liên doanh giữa các doanh nghiệp, mang lại chất lượng sản phẩm tốt và an toàn nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng phần mềm quản lý sản xuất, chăm sóc khách hàng; áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến, giúp các đơn vị bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã,... nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả các FTA.
Đồng thời, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước trong khu vực các FTA...
- Ngành Công Thương sẽ có giải pháp gì nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho tỉnh thời gian tới, thưa ông?
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được coi là động lực và “chìa khóa” cho sự tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tiếp theo. Do đó, ngành Công Thương luôn xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành.
Thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng. Sở cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Chúng tôi cũng chú trọng tổ chức lưu thông hàng hoá, kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm