Để những chính sách đi vào thực tiễn nhanh hơn, thực chất và hiệu quả, Sở Công thương đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát thường niên Chỉ số PCI năm 2023 cho thấy, chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” của Thái Nguyên đang có xu hướng giảm 5 năm trở lại đây (đạt 6,05 điểm năm 2019, giảm đều xuống còn 4,88 điểm năm 2023). Thực tế này đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, luôn kịp thời hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp phát triển.
Quyết liệt gỡ khó
Theo Sở Công thương Thái Nguyên, trong cách tính điểm PCI, chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có trọng số 20% trong tổng điểm PCI, mang tính chất quan trọng quyết định thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Do đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các sở, ngành đều dành sự quan tâm “đặc biệt” trong việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Sở Công thương Thái Nguyên với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh trong việc cải thiện chỉ số thành phần "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp" đã tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Hàng năm, Sở Công thương luôn ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai nhiệm vụ được giao. Sở đặt mục tiêu là duy trì các chỉ số cơ sở đã đạt kết quả tốt, đồng thời cải thiện các chỉ số cơ sở còn thấp, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Để thực hiện, Sở thường xuyên tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, hội doanh nghiệp, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực ngành phụ trách về UBND tỉnh giải quyết. Chất lượng các cuộc đối thoại doanh nghiệp luôn được đổi mới và nâng cao nhằm tiếp nhận và trả lời các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng.
Đồng thời, Sở tăng cường sự phối hợp với các ngành liên quan để có giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng một số nội dung trong Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” như: thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật; thủ tục để hưởng hỗ trợ từ các FTA.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo Sở Công thương, xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ; nó có vai trò trong việc hỗ trợ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, giúp cho việc bán hàng dễ dàng và năng động hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường một cách hiệu quả với nguồn lực của mình.
Trên cơ sở đó, Sở đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm,…
Sở cũng thường xuyên hướng dẫn và thông báo mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương trong và ngoài tỉnh, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, Sở phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Trang thông tin điện tử tổng hợp của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và Hiệp định RCEP. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến những cam kết của Việt Nam, cung cấp thông tin những quy định trong Hiệp định, cập nhật tình hình thị trường để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, rào cản thương mại của các nước thành viên trong các Hiệp định nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá.
Ngoài ra, các chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Thái Nguyên với doanh nghiệp các tỉnh thường xuyên được tổ chức nhằm kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là thế mạnh của tỉnh. Các sàn thương mại điện tử, trang thương mại điện tử cũng là một kênh hiệu quả, giúp doanh nghiệp vừa quảng bá hình ảnh, thương hiệu, vừa kết nối cung cầu giữa nhà phân phối và người tiêu dùng.
Bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc HTX Hoan Xuyến (huyện Phú Lương) cho biết, chè luôn là sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, đòi hỏi các HTX, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động sản xuất, thương mại. Thời gian qua, HTX đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các địa phương trong tỉnh và với các địa phương khác và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ chính quyền địa phương và các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên.
Và hơn hết, thông qua mở rộng kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm tại các vùng miền khác của Đất nước, chúng tôi có cơ hội lan tỏa giá trị văn hóa thưởng trà của tỉnh Thái Nguyên đối với tỉnh bạn”, bà Xuyến cho hay.