Trải thảm đỏ thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên không chỉ thực hiện nghiêm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tạo khung pháp lý thông thoáng,...
Nắm bắt các cơ hội mở khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Thái Nguyên đã đổi mới xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trải thảm đỏ thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên không chỉ thực hiện nghiêm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tạo khung pháp lý thông thoáng, minh bạch cho hoạt động đầu tư kinh doanh, mà còn tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Văn Dương cho biết, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định mục tiêu thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố tiên quyết trong việc phát triển KT-XH. Tỉnh đã thường xuyên tổ chức các chương trình gặp mặt doanh nghiệp; tổ chức và tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tham dự các hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Bắc Ninh, Hà Nội, Đài Loan, Hàn Quốc....; tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư quan tâm đến môi trường đầu tư tại tỉnh.
Cùng với đó, Thái Nguyên thực hiện hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền kết quả phát triển KT-XH, môi trường đầu tư kinh doanh và các hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. “Quan trọng hơn, tỉnh luôn cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình trước, trong và sau khi tiến hành đầu tư tại tỉnh”, ông Dương nhấn mạnh.
Cùng với tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Nguyên luôn chủ động trong việc đề ra các giải pháp căn cơ, chiến lược nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút thêm 29 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 201,3 triệu USD; 10 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,53 triệu USD. Trong đó, tiêu biểu là các dự án: Nhà máy kỹ thuật vật liệu mới Hengxin Việt Nam (vốn đầu tư 9,8 triệu USD); Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Thái Nguyên 3 (vốn đầu tư gần 9,9 triệu USD).
Hiện nay toàn tỉnh có 199 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt hơn 10,57 tỷ USD. Theo số liệu trên, có thể thấy Thái Nguyên ngày càng có sức hút và là một trong những điểm sáng của toàn quốc về đầu tư FDI.
Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, Thái Nguyên đã ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; miễn giảm thuế doanh nghiệp mới; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là cơ chế đặc thù riêng có của Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc công ty TNHH Cường Đại, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Phổ Yên cho biết, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá Thái Nguyên “đang có môi trường đầu tư tốt nhất từ trước đến nay” và đứng trước thời cơ, vận hội để tăng tốc, bứt phá.
Theo ông Cường, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, luôn tạo điều kiện các hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đáng chú ý, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, là yếu tố quan trọng đóng góp cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI. Sở KH&ĐT luôn làm tốt vai trò “tham mưu trưởng” trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp… góp phần cùng tỉnh kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Cường nhấn mạnh, chưa bao giờ Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc doanh nghiệp nhiều như thời gian vừa qua. Thông qua các hội nghị gặp mặt, tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp được “giãi bày” những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và được giải đáp rất thỏa đáng, có thêm “năng lượng” để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Đây là 1 điều rất mới, là sự đổi mới của tỉnh. Ông Cường mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục “cởi mở”, có nhiều chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Khởi công khu đô thị cao cấp quy mô hơn 300 tỷ tại Thái Nguyên
20:00, 24/07/2023
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên: Cải cách hành chính để nâng cao chỉ số "Đào tạo lao động"
07:08, 14/07/2023
Thái Nguyên: Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều Luật, Nghị định
17:05, 11/07/2023