Ngày nay, không chỉ các doanh nghiệp mà kể cả người nông dân cũng phải tự thân vận động, đổi mới, nâng cao trình độ kĩ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế để nắm bắt cơ hội từ EVFTA.
Tại Thái Nguyên, nơi được coi là thủ phủ của ngành chè, doanh nghiệp cũng như người dân rất nhạy bén trong việc đi trước, đón đầu và đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại. Họ đã đổi mới tư duy sản xuất, "học luật chơi" để đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí khắt khe mà châu Âu yêu cầu. Trong đó có nhiều hợp tác xã (HTX) đã chủ động và bước được những bước chân đầu tiên vào những thị trường khó tính của thế giới.
“Mỗi năm HTX xuất khẩu từ 2 đến 3 tấn chè sang các nước Mỹ và Canada. Mặc dù số lượng chè xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng giá trị sản phẩm tăng từ 30-50% so với chè tiêu thụ trong nước. Chúng tôi đang phải thay đổiphương thức sản xuất để nhanh chóng nắm bắt cơ hội xuất khẩu sangthị trường EU,” bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX Chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ.
Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang châu Âu, toàn bộ 40ha chè của HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Phú Lương đều phải được trồng tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Cùng với đó thì toàn bộ kỹ thuật đều được các kỹ sư từ trường Đại học Nông Lâm về hướng dẫn.
“Một hộp chè túi lọc, hiện nay chúng tôi đang xuất khẩu sang châu Âu với giá 40.000 đồng, khi thuế suất về không HTX đã giảm được 10.000 đồng tiền thuế/hộp, trong đó HTX được 5.000 đồng và người tiêu dùng châu Âu được lợi 5.000 đồng/hộp chè. Như vậy sản phẩm của chúng tôi sẽ dễ dàng cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước cùng sản xuất chế biến chè như, Trung Quốc, Ấn Độ,…” ông Tô văn khiêm, Chủ tịch HĐQT HTX Chè an toàn Khe Cốc cho biết.
Trước đó, năm 2019 sản phẩm trà túi lọc, chè móc câu ướp hương sen của HTX đã được tiêu thụ ở châu Âu như Ba Lan, Pháp với sản lượng trên 600kg, giá bán dao động từ 6 - 7 triệu đồng/kg. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của các thành viên HTX Chè an toàn Khe Cốc nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt tới trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, để xuất khẩu được sang châu Âu, sản phẩm chè ngoài đảm bảo về tiêu chí truy xuất nguồn gốc, chất lượng thì còn phải đảm bảo được các tiêu chí khắt khe khác như môi trường, an sinh xã hội, đặc biệt là tiêu chí về lao động.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đánh giá: "Tôi đánh giá cao tính năng động và thích ứng nhanh của nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam. Họ nắm bắt được thông tin về hiệp định rất nhanh và đã thay đổi ngay phương thức sản xuất, nhanh chóng nắm bắt cơ hội mà các hiệp định thương mại và đầu tư mang lại".
Như vậy có thể thấy, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 đã và đang mở ra cơ hội vàng cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chè Thái Nguyên nói riêng tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm