Để phát huy kết quả đã đạt được, duy trì trụ hạng và tiến tới nâng hạng chỉ số PCI, tỉnh Thái Nguyên đã hiện thực hoá nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “sát cánh” đồng hành cùng doanh nghiệp…
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên đứng vị trí 11/63 tỉnh, thành trong cả nước với số điểm tổng hợp đạt 66,56 điểm. Dẫn đầu trong nhóm các tỉnh Miền núi phía Bắc.
“Soi” mình để tiến
Trước thực trạng PCI năm 2020 của Thái Nguyên tăng 1 bậc so với năm 2019 (xếp thứ 12/63) trên bảng xếp hạng toàn quốc, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá, năm 2020 PCI Thái Nguyên có số điểm tổng hợp đạt cao so với các năm. Có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó có 01 chỉ số đạt trên 8 điểm, 4 chỉ số đạt trên 7 điểm. Chỉ số có điểm cao nhất là Gia nhập thị trường đạt 8,35 điểm.
“Thực tế, trong năm qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện và giữ vững, vai trò, vị thế của Thái Nguyên ngày một nâng cao. Thứ tự xếp hạng PCI những năm gần đây đều tăng, đứng trong top 20 những tỉnh cao nhất trong cả nước, đứng đầu trong nhóm các tỉnh Miền núi phía Bắc” - ông Thời nhìn nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số tăng điểm, ông Nguyễn Linh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tỉnh vẫn còn 04 chỉ số giảm điểm so với năm 2019 là Tính minh bạch đạt 5,85 điểm, giảm 0,84 điểm, Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,29 điểm, giảm 0,3 điểm, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,63 điểm, giảm 0,42 điểm, Đào tạo lao động đạt 7,42 điểm, giảm 0,46 điểm so với năm 2019.
“Điều đó khẳng định tính bền vững của chỉ số PCI chưa cao. Cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để cải thiện từng chỉ số thành phần thì việc nâng hạng thậm trí trụ hạng mới có thể thực hiện được” ông Linh nói.
“Đất lành” doanh nghiệp đến
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2021, mặc dù chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị “sát cánh”, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” nên trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 638 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 6.355 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.847 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 115.590 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký là 6.326 tỷ đồng.
“Lũy kế đến nay, tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực là 807 dự án với số vốn đăng ký khoảng 134.528 tỷ đồng” - ông Trường cho hay.
Ngoài ra, tỉnh quyết định thành lập 07 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với số vốn đăng ký là 3.192,5 tỷ đồng; trên địa bàn tỉnh có 22 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng với số vốn đăng ký là 6.001,8 tỷ đồng. Riêng thu hút đầu tư FDI, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 25 dự án (12 dự án cấp mới, 13 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 158,06 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 169 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 8,7 tỷ USD.
Thực tế, để có được kết quả trên, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, song song việc tiếp tục duy trì nâng cao các chỉ số tăng điểm, Thái Nguyên đã tập trung “bắt mạch” từng chỉ số PCI giảm điểm để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Cụ thể, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính Phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong đó tập trung triển khai hiệu quả 07 nhóm giải pháp chính đến từng đơn vị địa phương…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình gặp mặt định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp theo hướng giản dị, gần gũi để lắng nghe nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại vướng mắc của doanh nghiệp một cách thực chất và có ý nghĩa để tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tổ chức định kỳ mô hình Trà/cà phê Doanh nhân nhằm nâng cao tính năng động của các cấp chính quyền trong việc giải quyết nhanh các vấn đề của doanh nghiệp; các Sở, ngành, địa phương tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra, nhất là các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường có những vướng mắc như: Chính sách về thuế, đất đai và đền bù GPMB, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp....
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên mục hỏi đáp trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhằm tạo kênh thông tin để doanh nghiệp phản ánh, để đạt ý kiến tới các cơ quan nhà nước.
Các Sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, nhất là công tác phối kết hợp trong GPMB; đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích…
Đặc biệt, từng thành viên Ban chỉ đạo bám sát nội dung kiểm điểm, có trách nhiệm triển khai thực hiện ngay những giải pháp có liên quan đến các chỉ số có gắn liền với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý và được giao nhiệm vụ.
Đồng thời, giao Sở KH&ĐT chủ trì xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 trình ban hành quý III năm 2021; Nghiên cứu, tham khảo học tập thông qua VCCI, các tỉnh bạn, phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xây dựng bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Thái Nguyên trình Ban chỉ đạo đưa vào đánh giá trong năm 2021.
“Giao Sở Công Thương, Sở LĐ, TB&XH chủ trì nghiên cứu kết quả chỉ số PCI của tỉnh năm 2020, xây dựng riêng kế hoạch để cải thiện chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chỉ số Đào tạo lao động năm 2021; đối với chỉ số Tỉnh minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng và các chỉ số còn lại yêu cầu các Sở, ban, ngành phải vào cuộc xây dựng nội dung triển khai thực hiện để đạt được kết quả cao trong năm 2021…” - ông Tiến nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 11/06/2020
04:00, 29/09/2021
17:50, 25/09/2021