Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Gắn kết với doanh nghiệp
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN – hợp tác và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên cho biết, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh ít nhất 30% số cơ sở GDNN, có 50% số chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn và 80% tổng số ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, tỉnh Thái Nguyên chủ trương mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề qua các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Từng bước nâng cao chất lượng cơ sở GDNN; gắn đào tạo với doanh nghiệp và đào tạo đáp ứng thị trường lao động,... giải pháp này giúp cơ sở GDNN nâng cao được vị thế, vai trò đào tạo, thu hút được học viên. Hơn thế, người được đào tạo có ngay việc làm phù hợp với năng lực; còn doanh nghiệp có nhân lực không phải đào tạo lại.
Theo ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN – hợp tác và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các cơ sở GDNN đều có liên kết, hợp tác với doanh nghiệp; đồng thời chủ động tổ chức đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.
Linh hoạt để thích ứng - không phải khẩu hiệu, mà là một hành động “sống còn” đối với các cơ sở GDNN. Như việc đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tuyển sinh và đào tạo. Giải pháp này hạn chế được việc tập trung đông người cùng lúc. Từng cơ sở xây dựng được kế hoạch hoạt động sát với diễn biến thực tế.
Trong 9 tháng năm 2024, Trung tâm đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (dưới 03 tháng) tại cơ sở 15 lớp với 525 học viên; đã Xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình Tháng cao điểm kết nối Cung - Cầu tỉnh Thái Nguyên năm 2024; Tổ chức 10 gian hàng, với sự tham gia các gian hàng từ Các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Doanh nghiệp và tổ chức 01 Hội thảo định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp và việc làm năm 2024 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực;
Cử cán bộ tham gia gian hàng trong Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, các Trường THPT trên địa bàn tỉnh: Thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho người lao động;
Người lao động, học sinh, sinh viên, thanh niên tham gia Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024 và tư vấn trên 700 lượt người; Đã tổ chức 10 cuộc hội thảo, tuyên truyền về tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp học nghề và Hội nghị tư vấn về việc làm, nghề nghiệp… tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg với: 750 lượt người tham dự. Hợp tác đào tạo thường xuyên cho 470 lượt học viên.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng GDNN
Ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN – hợp tác và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm, bên cạnh kết quả đạt được, chúng tôi còn gặp một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: Tỉnh Thái Nguyên chưa có quy định cụ thể về địa bàn thuộc “vùng nghèo, vùng khó khăn", việc tuyển sinh để mở lớp đào tạo nghề cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là rất ít, chưa đủ điều kiện để mở lớp;
Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo quy định, đào tạo trình độ sơ cấp phải có giáo viên cơ hữu cho nghề đào tạo, đội ngũ giáo viên của Trung tâm còn thiếu; Việc phát triển GDNN, truyền thông, khởi nghiệp GDNN là nhiệm vụ do Sở giao nên cần bố trí nhân lực để thực hiện;
Trung tâm đã rà soát, xác định nhu cầu học nghề của thị trường lao động, dự kiến mở thêm một số ngành nghề đào tạo mới, tuy nhiên khó khăn về giáo viên cơ hữu và thiếu trang thiết bị đào tạo;
GDNN không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân; tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thêm nghề mới.
Ông Dũng cho biết, để không lạc hậu trong GDNN, 100% cơ sở chủ động sắp xếp, bố trí cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; khuyến khích cán bộ, giáo viên tham dự các cuộc thi dạy nghề, thao giảng trong khu vực và toàn quốc. Qua đó bổ sung thêm kinh nghiệm, kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là với những giáo viên dạy thực hành trên thiết bị máy móc. Đặc biệt, đã có hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết hợp tác với một số cơ sở GDNN của tỉnh trong liên kết, đào tạo nghề.
Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho người lao động trẻ. Qua đó tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0.