Những năm gần đây, khi công tác môi trường được quan tâm, các cấp chính quyền cũng đã giao khoán cho những doanh nghiệp đứng ra thu gom, xử lý rác thải.
Tuy nhiên, do việc giao khoán thu gom rác thải có thu tiền được trích từ nguồn phí quỹ bảo vệ môi trường nên phát sinh cơ chế xin - cho.
Ngay như tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hiện nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp không đủ phương tiện, máy móc, nhân lực cũng lấn sân tham gia vào lĩnh vực này. Chưa kể, ở các xã vẫn có tình trạng chính quyền còn giao cho tổ chức hội, đoàn thể không chuyên nghiệp đứng ra thu gom để trích ngân sách cho họ.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện chào giá rất thấp nhưng hiệu quả thu gom rác thải không cao, gây nên tình trạng người dân bức xúc, kiến nghị tại sao vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường hàng năm nhưng nơi họ sống vẫn ô nhiễm do rác thải?
Theo tôi, cơ quan quản lý nên chấn chỉnh, thẩm định lại các doanh nghiệp đang tham gia công tác thu gom rác thải hiện nay để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực này mà năng lực yếu, thiếu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường thì cần thay thế, loại bỏ kịp thời để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”…