Nhu cầu sử dụng than trắng (than binchotan) ngày càng tăng, nhất là trước yêu cầu từ xu thế phát triển xanh, bền vững và giảm phát thải.
Đó là chia sẻ của ông Lại Văn Hiệp - Giám đốc công ty TNHH thương mại Nguồn lực biển Đông với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Lại Văn Hiệp chia sẻ, cụ thể hoá chủ trương phát triển kinh tế rừng bền vững, áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao, công ty TNHH thương mại Nguồn lực biển Đông đã thành công trong xuất khẩu than trắng sang thị trường Nhật Bản và tiếp cận các thị trường mới như Australia, Mỹ…
- Lựa chọn xuất khẩu dòng sản phẩm chất lượng cao vào thị trường rất khó tính như Nhật Bản ngay từ những ngày đầu thành lập liệu có quá sức mình không, thưa ông?
Đã từng học tập và kinh doanh tại Nhật Bản nhiều năm nên tôi hiểu rõ về tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe cũng như nhu cầu tiêu dùng than trắng của người Nhật. Trước tôi, đã có doanh nghiệp xuất bán sản phẩm này sang Nhật nhưng chưa được đánh giá cao do chất lượng thấp, giá thành rẻ, không gây được sự chú ý tới người tiêu dùng. Cánh cửa cho than trắng Việt Nam vào Nhật Bản gần như đóng lại nếu chúng ta tiếp tục duy trì sản phẩm như vậy.
Thời điểm sau năm 2010, ở trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ do thiếu đầu ra. Rõ ràng, thị phần cho chúng ta vẫn có nhưng nguồn cung không tiếp cận được. Đó là lý do tại sao tôi hợp tác cùng chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu sản phẩm yêu cầu chất lượng cao.
Với một doanh nghiệp sản xuất đã có sẵn sản phẩm mới tính đến xây dựng thị trường hoặc doanh nghiệp dịch vụ có thị trường rồi mới bắt tay vào sản xuất thì tôi đã làm mọi thứ gần như là đồng thời, vừa sản xuất, vừa xây dựng thị trường và định hình phân khúc cho thương hiệu. Khó khăn thì có nhưng quá sức thì không, tôi luôn “nuôi” khát vọng cung cấp cho đối tác sản phẩm chất lượng số 1 thế giới.
- Lý do gì khiến ông tự tin như vậy?
Với diện tích rừng khá lớn cùng với chủ trương phát triển kinh tế rừng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chế biến, trong đó có than trắng. Nguyên liệu chúng tôi sử dụng là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí CO2. Khi chế biến, chúng tôi chỉ sử dụng 1/3 cây bạch đàn để chuyển hoá thành than; các phần còn lại được trả về đất, tạo thành mùn, tiếp tục tạo phát thải âm, bảo vệ môi trường. Những mẻ than ra lò, chúng tôi tập hợp các mẫu than có chất lượng tốt nhất của mình và các doanh nghiệp cùng ngành trong nước mang đi chào hàng ở Nhật Bản. Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, đối tác đã rất ủng hộ và một đoàn gồm 8 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm quan nhà xưởng, quy trình sản xuất than tại Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, để đi đường xa và dài, không chỉ cần sự hợp sức của các doanh nghiệp trong ngành mà cần sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu. Ở thời điểm khởi đầu chúng tôi thiếu điều đó.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm than củi do công ty sản xuất
- Ông đã khắc phục hạn chế này thế nào?
Thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều về dữ liệu - khái niệm mới về nguyên liệu sản xuất. Chúng tôi khá thấm bài học này khi thiếu dữ liệu thống kê chính xác về trữ lượng bạch đàn. Do đó, khi khảo sát, nhiều khu vực được đánh giá có trữ lượng lớn nhưng thực tế lại khác.
Ở một số khu vực nhầm lẫn giữa cây tràm và cây bạch đàn, nơi khác trữ lượng đánh giá không đúng với thực tế, có nơi đúng trữ lượng thì sản phẩm đầu ra lại không đạt các chỉ số thị trường yêu cầu.
Mất gần 4 năm mở xưởng tại các vùng nguyên liệu để sản xuất, so sánh và đối chiếu chất lượng, chúng tôi lựa chọn đúng địa điểm là Bình Thuận với tổng diện tích rừng bạch đàn khoảng 67.000ha và đang tiếp tục mở rộng do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng (nắng, khô, ít nước) phù hợp cho cây bạch đàn sinh trưởng và phát triển. Toàn bộ diện tích này đều được cấp chứng chỉ FSC của Đức. Từ khó khăn đã đối mặt, chúng tôi nhận thấy vừa sản xuất vừa tăng cường phát triển tái tạo rừng Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển trong thời gian tới để khai thác thế mạnh kinh tế rừng phục vụ tăng trưởng xanh?
Như tôi vừa đề cập, diện tích rừng có chứng chỉ FSC của Bình Thuận đang bán chứng chỉ carbon, mở ra rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận từ kinh tế rừng cho phát triển bền vững. Chúng tôi đánh giá, nhu cầu sử dụng than trắng trên thế giới rất lớn, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các nhà hàng, lọc nước, khí thải, khử mùi mà còn sử dụng trong công nghiệp luyện kim, chế tạo pin…
Mới đây, hội nghị COP28 các nước đã đạt được thoả thuận dần dần loại bỏ nhiên liệu hoá thạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhiệt điện bị giới hạn và chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội cung cấp than củi thay than đá cho các nhà máy tại Nhật Bản. Ngoài ra, chúng tôi tiếp cận thành công thị trường Malaysia, Australia, Mỹ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp của mình và doanh nghiệp trong ngành.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm