Kể từ khi Đổi mới đến nay, Việt Nam đã phải gánh chịu ba cuộc khủng hoảng tài chính vào các năm 1989, 1999, 2009. Còn năm 2019 cũng đang tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nhìn lại các cuộc khủng hoảng trước, nguyên nhân chính là một số ít cá nhân đã dùng vốn huy động được trong xã hội đầu cơ vào các tài sản rủi ro hoặc sử dụng vì mục đích cá nhân mà không tạo ra các giá trị cho xã hội. Điều đáng quan tâm là mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng này đã tăng dần theo thời gian. Hiện tại đang có những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho dù những biện pháp kỹ thuật (như các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính hay cơ chế giám sát …) đã được cải tiến tốt hơn rất nhiều. Do vậy, Việt Nam cần hết sức lưu ý vấn đề này.
Chu kỳ 10 năm
Khủng hoảng năm 1989 là do nhà nước cho người dân muốn làm gì thì làm (ít nhất là ở khía cạnh tài chính tín dụng). Hậu quả của nó là tháp Ponzi mà ở đó tiền của người gửi sau dùng để trả lãi cho người gửi trước đó chứ làm gì có thể kinh doanh mức sinh lời lên đến 24%/tháng và tháp này sụp đổ khi không còn người gửi tiền nữa. Nhân tố gây ra khủng hoảng là hằng hà vô số các hợp tác xã tín dụng (hơn 7.000) mà chúng có thể ví như bầy cá lòng tong.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 05/09/2018
22:41, 04/09/2018
06:30, 03/09/2018
04:30, 07/06/2018
Khủng hoảng năm 1999 là do việc lơi lỏng các ngân hàng thương mại cổ phần để một số doanh nghiệp biến chúng thành sân sau hay bộ phận huy động vốn để đầu cơ. Hoặc một số doanh nghiệp câu kết với các ngân hàng để dùng vốn vay ngắn hạn đầu cơ vào bất động sản. Kết quả rủi ro đạo đức đã xảy ra. Những ngân hàng hay doanh nghiệp lúc đó cũng đã có quy mô đáng kể, nhưng so với nền kinh tế và quy mô tuyệt đối là khá khiêm tốn.
Kinh tế thị trường có nhiều trục trặc nghiêm trọng đã xảy ra do lòng tham và sự vị kỷ của con người gây ra với điển hình là các cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm ở Việt Nam.
Khủng hoảng năm 2009 xảy ra cũng là kịch bản tương tự năm 1999, nhưng mức độ trầm trọng hơn. Tình trạng sở hữu chéo đã hết sức trầm trọng và “cái chết” cũng là do dùng tiền huy động để đầu cơ vào các tài sản (bất động sản, vàng và một số tài sản tài chính rủi ro khác). Năm 2009 còn bị cú đánh bồi sau đó với sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines với quy mô rất lớn so với nền kinh tế. Mức độ rất nghiêm trọng đã xảy ra để đầu năm 2011, Bộ Chính trị phải ra nghị quyết ổn định vĩ mô làm ưu tiên cho dù Đại hội XI vẫn đặt tăng trưởng làm ưu tiên.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2009, quy mô của các doanh nghiệp (kể cả ngân hàng) đã lớn, nhưng chưa đến mức quá lớn; trong khi Vinashin có quy mô rất lớn nhưng có “bà đỡ” là nhà nước đứng đằng sau nên mức độ sốc không quá khủng khiếp.
Nhìn lại ba cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm xảy ra chỉ có một nguyên nhân duy nhất là một số cá nhân đã dùng vốn huy động được của cả nền kinh tế đi đầu tư vào các tài sản rủi ro để kiếm lợi ngắn hạn. Khi bong bóng tài sản đang căng thì mọi chuyện rất ổn. Tuy nhiên, trục trặc đã xảy ra khi nền kinh tế “hết tiền” cho việc bơm các bong bóng này.
Nguy cơ tiềm tàng
Như đã nên ở trên, kinh tế thị trường là con đường đi đến giàu có của mỗi quốc gia. Sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ phải dựa vào các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước). Tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn và trục trặc xảy ra với các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ gây ra tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều vì hai lý do:
Thứ nhất, khi rủi ro xảy ra với các DNNN thì những người điều hành muốn đưa ra các quyết định rủi ro hơn vẫn chịu các ràng buộc vì không thể muốn làm gì thì làm. Trái lại, đối với các doanh nghiệp tư nhân, quyền hành nằm toàn bộ trong tay các chủ doanh nghiệp nên các quyết định được đưa ra nhanh và rủi ro hơn rất nhiều. Cho nên, tình trạng con bạc khát nước (nếu có) sẽ rất trầm trọng.
Thứ hai, các DNNN vẫn có ràng buộc ngân sách mềm hay khi rủi ro xảy ra thì nhiều người vẫn nghĩ rằng có nhà nước đứng đằng sau và sẽ cứu nên mức độ hoảng loạn sẽ ít hơn. Trái lại các doanh nghiệp tư nhân thường không có được điều này (trừ tình huống quá lớn không thể thất bại). Do vậy, hiệu ứng tan chảy hay sụp đổ sẽ nhanh chóng và dư chấn mạnh hơn rất nhiều.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở nên phát triển hơn. Tuy nhiên, nhìn từ những trục trặc trước đây, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn. Trong bối cảnh ước muốn là rất lớn, nhưng vai trò của nhà nước là có hạn. Do vậy, Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua. Nói chung đây là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề Nhà nước cần có vai trò, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho cộng đồng phát triển song song với Nhà nước và Thị trường nhằm kiềm chế sự cấu kết giữa các doanh nhân (những người có tiền) và một số quan chức nhà nước (những người có quyền), tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm.
Nhìn ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong năm 2019 với Kinh tế Việt Nam có thể từ các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước. Nền kinh tế Việt Nam, thực ra, rất mong manh, chỉ cần một hoặc một vài doanh nghiệp lớn nào đó gặp trục trặc là cả nền kinh tế gặp vấn đề ngay. Do vậy, một trong những việc hết sức quan trọng là các cơ quan giám sát phải để mắt rất kỹ đến các doanh nghiệp này. Chính sách và quản lý vĩ mô cần phải đảm bảo sao cho các rủi ro đừng xảy ra song song với việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia: Nhìn chung thương mại, đầu tư toàn cầu đang đi xuống cùng với sự gia tăng bất ổn từ các thị trường, đại diện là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. IMF từng phân tích rằng, Việt Nam nếu gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh, nhưng tận dụng cơ hội trong đó lại chậm, đấy là đặc điểm cơ cấu kinh tế Việt Nam. Tác động của cuộc xung đột Mỹ - Trung, nếu nhìn vào tăng trưởng, thu hút đầu tư thì trong năm 2018 nền kinh tế Việt Nam có nhiều kết quả tương đối tích cực. Nguyên nhân ở giai đoạn đầu, các luồng thương mại đang chuyển hướng, đổ sang Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, khi chiến tranh thương mại thực sự lan rộng ra khu vực sản xuất của nền kinh tế 90 triệu dân, đòi hỏi đầu mối về chuỗi cung ứng thay đổi, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn. TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: Năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ có những “vùng màu xám” từ nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Các vấn đề có thể nhìn thấy đó là “sự đình trệ” như: các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN không đạt chỉ tiêu; hoạt động đầu tư công gần như không có dự án lớn được triển khai. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do Chính phủ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam “rất mở”, do đó, sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới. Tất cả các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho hai năm tới đều chững lại và thậm chí là giảm đôi chút. Cùng với đó, thương mại thế giới cũng có nguy cơ giảm sút. |