Thông tin FTSE Russell hạ bậc một số tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng.
Điều này đã và đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu kịch bản tháng 4/2018 có lặp lại?
Những thông tin màu xám
Khi hàng loạt nhà đầu tư vẫn đang đặt kỳ vọng vào khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, thông tin từ phía FTSE Russell khiến niềm tin này lung lay.
Sau phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, công ty cung cấp chỉ số FTSE Russell đã công bố bản cập nhật phân hạng thị trường cổ phiếu của các quốc gia. Mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai, nhưng lại có tới 3/4 tiêu chí bị đánh giá tiêu cực hơn so với kỳ rà soát lần trước.
Cụ thể, với tiêu chí “Thanh toán - tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm”, tổ chức này cập nhật từ “Đạt” sang “N/A”, do thông lệ thị trường trong việc tiến hành kiểm tra trước giao dịch. Với tiêu chí “Giao dịch ngoại hối”, hạ bậc từ “Hạn chế” xuống “Không đạt”. Với tiêu chí “Lưu ký - quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho nhà đầu tư quốc tế”, hạ bậc từ “Đạt” xuống “Hạn chế”.
Với tiêu chí “Thị trường phái sinh”, nâng bậc từ “Không đạt” lên “Hạn chế”. Như vậy, chỉ có tiêu chí về thị trường phái sinh được cải thiện trong khi 3 tiêu chí về lưu ký, ngoại hối và giao dịch bị hạ bậc.
Có thể bạn quan tâm
11:40, 02/04/2019
05:01, 01/04/2019
03:04, 29/03/2019
05:01, 25/03/2019
Trong khi đó, mùa đại hội đồng cổ đông đang bắt đầu và tín hiệu từ một số doanh nghiệp lớn cho thấy có sự thận trọng trong đặt mục tiêu kinh doanh năm 2019.
Chẳng hạn, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã thông qua kế hoạch kinh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10%, đạt 5.600 tỷ đồng, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 18% so với năm 2018.
Mức giảm này đến từ kế hoạch đi lùi của Công ty trong lợi nhuận mảng bất động sản và điện - nước (giảm lần lượt 33% và 38%). Nguyên do là Công ty không còn khoản thu nhập bất thường từ việc hoàn nhập của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh và CTCP Nhiệt điện Phả Lại như trong năm 2018.
Phía CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng đề ra kế hoạch khá thận trọng, với mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ mức thực hiện năm 2018. Mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận của DXG lần lượt là 7% và 1,8%.
Trong khi đó, năm 2018, lợi nhuận Công ty tăng trưởng tới 57% so với năm trước đó. Theo Ban lãnh đạo DXG, năm 2019 là năm bản lề cho giai đoạn tăng trưởng mới 2019 - 2023 nên kế hoạch đặt ra cần thận trọng và phải đạt được.
Tương tự, đối với “ông lớn” ngành thép Hòa Phát, với mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng, kế hoạch kinh doanh 2109 đã đi lùi tới 22% so với những gì đạt được trong năm 2018.
Có điều chỉnh, nhưng không quá lo ngại
Đánh giá chung về thị trường trong giai đoạn tới, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) cho rằng, nhiều khả năng sắp tới sẽ có nhịp điều chỉnh, tuy nhiên không mạnh. Có thể trong hơn một tuần nữa xu hướng này mới thể hiện rõ ràng.
Cùng quan điểm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cho rằng, thị trường tháng 4 năm nay không thể giảm sốc như năm ngoái.
Về đánh giá của FTSE, ông Phương cho biết, thông tin này không tác động lớn đến thị trường. Thực tế, phiên chứng khoán ngày 1/4 (phiên giao dịch đầu tiên sau thông tin của FTSE), các chỉ số VN-Index, HNX-Index đều chốt ở sắc xanh, lần lượt tăng 0,79% và 0,27%.
"Hiện giờ về tổng quan, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách đánh giá để được lên hạng, việc review này của FTSE Russell chỉ mang tính tham khảo, không phải mang tính quyết định. Việc hạ bậc 3 tiêu chí cho thấy những điểm không được tốt như lúc trước.
Đây là lời cảnh tỉnh để thị trường Việt Nam cần phải cải thiện, chứ không hoàn toàn quá tiêu cực khiến Việt Nam bị loại ra khỏi danh sách. Trên thực tế, các mã chứng khoán có khả năng được nước ngoài mua nhiều khi được nâng hạng thì vẫn tiếp tục nhận được dòng tiền đổ vào rất tốt", ông Phương nói.
Đứng trên quan điểm cá nhân, vị chuyên gia này cho rằng, chứng khoán tháng 4 năm nay không thể giảm sốc như năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, có nhiều thông tin liên quan đến vấn đề thuế quan, chiến tranh thương mại bắt đầu nổ ra khiến nhà đầu tư phát sinh tâm lý tiêu cực và sau đó phản ứng bằng cách bán ra.
Còn năm nay thì ở một thái cực khác, thông tin từ thị trường quốc tế ngày càng tốt hơn, tiêu biểu là phản hồi tích cực về vòng đàm phán Mỹ - Trung. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư sẽ được củng cố nhiều hơn trong giai đoạn này.
Đánh giá về việc thận trọng của các doanh nghiệp trong việc đặt kế hoạch kinh doanh, ông Phương cho rằng, sự thận trọng này không phải đến từ việc thị trường xấu đi, mà chủ yếu do các doanh nghiệp đã tăng tốc quá tốt trong năm 2018, do đó sự tăng trưởng có xu hướng chậm lại đôi chút.
Khả năng thị trường được nâng hạng tiếp tục được đánh giá khả thi và có thể có thông tin tốt vào tháng 5 - 6 tới. Thậm chí, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam không được nâng hạng thì vẫn có thể được hưởng lợi từ dòng tiền cấp trung đổ vào. Ngoài ra, sự lo ngại từ việc Fed tăng lãi suất năm nay đã không còn, mà thay vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, do đó, ông Trương Hiền Phương đánh giá, thị trường năm nay sẽ nhận được nhiều thông tin tích cực, tác động tốt tới diễn biến của thị trường chứng khoán.
Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lu Hui Hung, Giám đốc Khối Phân tích của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng cho rằng, mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ khó có tác động đột biến tới thị trường chứng khoán khi các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2019.
Cùng với đó, những yếu tố bất lợi bắt đầu lộ diện như tín dụng thắt chặt hơn, nhất là đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; lãi suất khó giảm; chi phí đầu vào tăng do giá điện, giá dầu, giá hàng hóa cơ bản tăng; xuất khẩu khó hơn khi nhu cầu toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm…
Tuy nhiên, vị chuyên gia này tiếp tục kỳ vọng vào diễn biến tích cực của dòng vốn ngoại. Yếu tố này sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nước tham gia trở lại và ủng hộ cho một kịch bản tích cực trong quý II/2018, với mức tăng khoảng 10% nữa, tương ứng với VN-Index quanh ngưỡng 1.100 điểm.
Nếu không nhanh, chúng ta sẽ bị bỏ lại sau lưng. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần, Chứng khoán Yuanta Việt Nam FTSE đã chính thức thông báo tình trạng nâng hạng của các quốc gia. Theo kết quả, Việt Nam bị hạ 3 tiêu chí và nâng 1 tiêu chí phái sinh (lưu ý tiêu chí này không liên quan gì đến việc nâng hạng cả, chỉ là phái sinh giao dịch lâu rồi và thanh khoản cũng tăng khá nên FTSE quyết định đánh giá). 3 tiêu chí bị hạ liên quan nhiều đến việc thanh toán, giao dịch ngoại hối và “lưu ký - quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho nhà đầu tư quốc tế”. Những câu chuyện này đã nói từ rất lâu rồi, nhưng qua chuyện hạ bậc của FTSE làm tôi nhớ đến câu chuyện của một vị khách hàng là thành viên trong Hiệp hội Đầu tư Hồng Kông vào ngày thứ Năm tuần qua. Nhóm của nhà đầu tư này than phiền về việc mở tài khoản chứng khoán tại Việt Nam mất nhiều thời gian và việc chuyển tiền cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã chứng minh qua thông lệ quốc tế về luật chống rửa tiền. Trong khi đó, tại thị trường Hồng Kông hay Đài Loan, không khó để tìm ra cổ phiếu có lợi suất 7 - 8% trên thị giá, còn tại thị trường chứng khoán Việt Nam, mức chi trả cổ tức được 7 - 8% trên mệnh giá là đã thấy khó tìm rồi. TTCK Việt Nam là cơ hội, nhưng thủ tục để gia nhập không dễ dàng là rào cản đầu tiên, chưa kể đến việc các sản phẩm tài chính hiện còn quá nghèo nàn. Ở Đài Loan, bạn chỉ cần lưu trú trên 2 tuần là có thể mở 1 tài khoản nước ngoài để giao dịch ngay rồi. Còn ở Việt Nam thì 1 tháng còn không biết đã có đủ thủ tục để có trading code chưa. Ngoài ra, dân châu Á rất thích các sản phẩm ETF, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm chỉ số để phát triển ETF, ngoại trừ chỉ số VN30. Đây cũng là một bất lợi rất lớn của thị trường chứng khoán thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi tin rằng, nếu nhà quản lý cởi mở và nhanh hơn trong xử lý cơ chế, sản phẩm mới, trước mắt là cho phép nhiều sản phẩm ETF và sản phẩm quản lý tài sản thì TTCK có cơ hội phát triển không kém TTCK Đài Loan trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm nhanh thì sẽ bị bỏ lại sau lưng rất xa và rất khó để nói chuyện phát triển. |