Trò chuyện cùng DOANH NHÂN về bát nhã ngày Xuân, những doanh nhân - nghệ sỹ đam mê nghệ thuật đều tâm niệm: đam mê những vần thơ, điệu nhạc, nét vẽ… tự nhiên như hơi thở của mỗi người.
>>
Tạm gác những bộn bề, lo toan căng thẳng sau một năm vất vả chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt thác ghềnh, những ngày đầu Xuân năm mới là một trong những khoảnh khắc riêng tư quý giá trong năm được các doanh nhân dành riêng cho “đứa con tinh thần” của mình.
Không chỉ mang lại cảm xúc cá nhân, thế giới nghệ thuật đầy màu sắc, trong nhiều trường hợp còn dẫn dắt doanh nhân và đội ngũ vượt qua nhiều khó khăn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
- Nhiều quan điểm vẫn cho rằng, công việc kinh doanh không liên quan đến nghệ thuật hay âm nhạc. Là những người trong cuộc, các ông nói gì về điều này?
Nhạc sĩ - Luật sư Lê Bá Thường: Sau những giờ làm việc căng thẳng, việc duy trì đam mê với thú chơi nghệ thuật có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng, mệt mỏi, điều tiết lại tinh thần, tìm được thú vui khiến cuộc sống ý nghĩa hơn.
Doanh nhân Nguyễn Quách Cương: Khi đã coi nghệ thuật là chỗ dựa tinh thần của mình, bất cứ khi nào cần, tôi vẫn tìm đến âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc… để cân bằng cảm xúc. Hằng ngày tôi phải làm việc với khách hàng, với những con số, những toan tính chiến lược cũng như tranh luận trong các cuộc đàm phán với khách hàng.... Nhưng sau đó cũng có những lúc tôi muốn được ở một mình trong khoảng lặng riêng; lúc đó, âm nhạc, thơ ca hay các bộ môn nghệ thuật khác như là một dòng suối chảy bên trong tâm hồn mình. Tôi được hoà vào dòng chảy nghệ thuật ấy với một cảm giác rất khó tả, giúp tôi cân bằng giữa những điều cần tính toán cho kinh doanh, cho cuộc sống và những điều cần giữ riêng cho mình. Âm nhạc, thơ ca… chính là chất xúc tác, chất cân bằng, khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài tôi sôi động bao nhiêu thì bên trong càng yên tĩnh bấy nhiêu.
Doanh nhân - Nhạc sỹ Trần Minh Đức: Doanh nhân phải chịu rất nhiều áp lực để chèo lái con thuyền của mình phát triển, vươn nhanh và vươn xa. “Thương trường như chiến trường”, doanh nhân phải bản lĩnh để vượt qua tất cả chông gai, thử thách. Thú chơi nghệ thuật sẽ giúp người doanh nhân cân bằng cuộc sống và công việc. Vừa là doanh nhân vừa là nhạc sĩ, niềm đam mê âm nhạc giúp tôi giải toả những căng thẳng hàng ngày khi điều hành doanh nghiệp. Tôi cảm nhận rằng nhờ âm nhạc, con người xích lại gần nhau hơn và điều đó giúp cho mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh rất thuận lợi.
- Doanh nhân nghệ sỹ không chỉ thăng hoa trong thế giới nghệ thuật mà cũng đang góp phần gia tăng giá trị vật chất lẫn giá trị trường tồn cho tác phẩm văn hoá. Tôi đang muốn đề cập đến khía cạnh đầu tư nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hoá cần sự tham gia nhiều hơn của doanh nhân?
Nhạc sĩ - Luật sư Lê Bá Thường: Những người theo đuổi công việc trong lĩnh vực mà họ quan tâm thường bền chí, do đó thành công hơn. Bằng chứng rõ ràng vẫn có nhiều người dành thời gian đầu tư nghiêm túc vào nghệ thuật và gặt hái được thành công về cả danh tiếng và tiền tài. Nếu biết đầu tư đúng cách, đam mê nghệ thuật có thể trở thành cơ hội cho kinh doanh.
Doanh nhân Nguyễn Quách Cương: Đúng vậy, đã làm nghệ thuật, người sáng tác phải đặc biệt đam mê, phải thả hết hồn vào từng chi tiết và tôi biết có rất nhiều họa sỹ hay nghệ nhân điêu khắc đam mê với nghề nhưng cũng giỏi kinh doanh lĩnh vực này. Đồng hương của tôi là nghệ nhân Việt Nam Hoàng Điệp có một phòng tranh mạ vàng, mỗi năm xuất xưởng hàng trăm bức chân dung, phong cảnh, tĩnh vật các loại. Những tác phẩm này được chuyển thể từ nhiều chất liệu khác nhau sang chất liệu đồng mạ vàng. Hầu hết các tranh đồng mạ vàng đều giữ đúng được “cái hồn” như nguyên bản.
Doanh nhân - Nhạc sỹ Trần Minh Đức: Tôi cũng đồng quan điểm, nếu doanh nhân kết hợp kiến thức kinh doanh của mình và kinh doanh đúng theo niềm đam mê, tâm huyết với các lĩnh vực nghệ thuật đang theo đuổi sẽ là niềm cảm hứng, giúp doanh nhân sáng tạo và toàn tâm toàn ý cho sản phẩm dịch vụ nghệ thuật thì mức độ thành công sẽ rất cao.
- Sở thích sưu tầm bộ sưu tập, nhất là các tác phẩm nghệ thuật giá trị của doanh nhân góp phần tạo thêm “đất diễn” cho những người làm nghệ thuật, thưa ông?
Nhạc sĩ - Luật sư Lê Bá Thường: Giống như trong kinh doanh người ta quan tâm tới yếu tố “cung” và “cầu” thì ở lĩnh vực nghệ thuật, khi càng có nhiều người quan tâm, có sở thích sưu tầm bộ sưu tập nghệ thuật, nhất là các tác phẩm nghệ thuật giá trị thì “cầu” càng tăng, tạo động lực cho người làm nghệ thuật tạo ra nhiều tác phẩm giá trị và chất lượng hơn.
Doanh nhân Nguyễn Quách Cương: Như bạn đã biết, doanh nhân, doanh nghiệp là thành tố không thể thiếu đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Mỗi một nhân tố điển hình càng khẳng định thêm sức vươn lên trên chặng đường mới của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, giữ vững tâm thế sẵn sàng hội nhập quốc tế. Trở lại vấn đề thú chơi cũng như sở thích sưu tầm nghệ thuật của doanh nhân, chúng ta phải hiểu rằng sáng tác tác phẩm nghệ thuật thì phải có người chơi, người mua (lĩnh vực hội họa, điêu khắc…) hoặc người nghe, người xem (lĩnh vực âm nhạc, văn hóa hay sân khấu điện ảnh). Doanh nhân là đội ngũ chịu chơi, chịu chi tiền. Do vậy nói rằng thú chơi, sở thích sưu tầm bộ sưu tập nghệ thuật, nhất là các tác phẩm nghệ thuật giá trị của doanh nhân góp phần tạo thêm “đất diễn” cho những người làm nghệ thuật thì quả thật là không sai.
Doanh nhân - Nhạc sỹ Trần Minh Đức: Khi một doanh nhân đã đam mê nghệ thuật sẽ có điều kiện kinh tế hơn và sẵn sàng chi trả các tác phẩm nghệ thuật, sẽ góp phần cho các tác phẩm nghệ thuật phát triển.
- Trong xu thế hội nhập sâu rộng, ông kỳ vọng gì từ những doanh nhân thế hệ mới vừa đam mê nghệ thuật vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá thể thao?
Nhạc sĩ - Luật sư Lê Bá Thường: Việt Nam là một quốc gia mà người dân rất yêu bóng đá, chúng ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ngành công nghiệp bóng đá. Doanh nhân thế hệ mới là những người có thể có những kế hoạch, chính sách mới để đầu tư vào nền bóng đá Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động truyển thông quảng bá thu hút người hâm mộ quan tâm theo dõi, giúp cho nền bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ, khơi dậy và khích lệ mạnh mẽ tinh thần dân tộc, niềm tự hào dân tộc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.
Doanh nhân Nguyễn Quách Cương: Có thể thấy rằng, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân trẻ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Với những doanh nhân thế hệ mới - những người được kế tiếp truyền thống và sớm tiếp xúc nghệ thuật tôi rất tin tưởng và hy vọng về một thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng “vượt sóng lớn” vươn mình ra thế giới với lợi thế là tuổi trẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khẳng định là vai trò trụ cột của nền kinh tế cũng như góp phần vào sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà.
Doanh nhân - Nhạc sỹ Trần Minh Đức: Doanh nhân thế hệ mới có nhiều điều kiện thuận lợi tiếp cận nghệ thuật thông qua môi trường mạng và công nghệ số. Tuy nhiên, tôi nhận thấy hiện nay, đâu đó một số doanh nhân trẻ cứ loay hoay cho việc sản xuất kinh doanh và có những thú vui khác. Thời gian dành cho nghệ thuật hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định, có thể điều này do môi trường tác động và tư duy của người doanh nhân. Thiết nghĩ, các tổ chức nghề nghiệp như VCCI, hiệp hội doanh nghiệp - doanh nhân, các Câu lạc bộ… nên tổ chức thường xuyên các hoạt động nghệ thuật cho doanh nhân, để từ đó doanh nhân có môi trường tiếp cận được nghệ thuật một cách thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn các doanh nhân nghệ sỹ!
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Tập đoàn BRG được tôn vinh là “Nữ Doanh Nhân Tiêu Biểu 2023”
09:38, 29/01/2024
Triệu phú Pierre Bonnet truyền cảm hứng với “Doanh nhân khởi nghiệp Meta”
05:07, 27/01/2024
Doanh nhân trẻ Hải Phòng cần bứt phá và tăng tốc trong năm 2024
22:05, 13/01/2024
Hiện thực hóa mục tiêu - Lào Cai cần thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
04:21, 13/01/2024
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Phát huy sức trẻ để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp
13:17, 11/01/2024