Thanh Hóa: Dự án 80,03 tỷ “đắp chiếu”, người dân “khát” nước sạch

Kiều Phiên 03/04/2019 06:06

Tổng mức đầu tư 80,03 tỷ đồng, dự án Nhà máy nước sạch xã Cẩm Vân được kỳ vọng giải bài toán thiếu nước sạch cho 19.978 dân. Tuy nhiên, công trình “đắp chiếu”, người dân “khát” nước sạch sinh hoạt.

Dự án nhà máy cấp nước sạch Cẩm Vân là công trình có tính cấp thiết do nguồn nước ở các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định) bị ô nhiễm nặng. Được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với tổng mức đầu tư 80,03 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng giải bài toán thiếu nước sạch cho người dân địa phương. Thế nhưng đã nhiều năm nay dự án này vẫn còn trong quá trình thi công dang dở, "đắp chiếu" chờ vốn, điều này gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Dự án tiền tỷ“đắp chiếu

Theo tìm hiểu của phóng viên báo DĐDN, ngày 30/10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy). Công trình được khởi công ngày 30/9/2015, dự kiến kết thúc các hạng mục xây lắp trước ngày 30/4/2018.

Cỏ dại mọc

Các thiết bị, đường ống dẫn nước xây lắp cho công trình cỏ dại đã mọc um tùm

Nhưng đến nay trên thực tế, công trình nước sạch tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) mới chỉ hoàn thành hơn 50% khối lượng. Dự án với tổng mức đầu tư lên đến 80,03 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 66,830 tỷ đồng, ngân sách địa phương 13,200 tỷ đồng. Dự án Nhà máy nước sạch tại xã Cẩm Vân do Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Tratech, Công ty CP Vật liệu xây dựng Hùng Cường, Công ty CPXD & Tự động hóa Đức Anh. Thời gian thực hiện là 30 tháng, nhà máy cấp nước sạch sẽ đưa vào hoạt động.

Nhà máy lấy nước từ sông Mã với công suất 2.250m3/ngày đêm và hệ thống đường ống nước cho các hộ dân xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy), Yên Lâm (huyện Yên Định). Công trình sau khi hoàn thành sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 19.987 hộ dân.

“Khát” ngay cạnh dự án nước sạch

Theo Ông Mai Văn Thành, người dân xã Cẩm Vân cho biết: Rất nhiều hộ dân xã Cẩm Vân, họ đang phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch, trong khi công trình xây dựng bỏ hoang gây nên nhiều phiền toái. Đơn cử, sau khi nhà thầu tiến hành lắp đường ống dẫn nước đến từng hộ dân, hệ thống đường sá được đào bới, gây cản trở giao thông. Nhưng được biết thông tin địa phương sắp xây nhà máy nước sạch, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn đang còn dang dở và chưa thấy triển khai nữa.

Các hồ chứa nước đang được xây dựng dở dang

Các hạng mục của dự án, hồ chứa nước được xây dựng dở dang trong nhiều năm

“Nhà tôi sinh sống cạnh nhà máy chỉ vài bước chân, trước đây gia đình chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, một số thôn của xã bị nhiễm thuốc trừ sâu phải mua bình lọc máy về dùng, họ không sử dụng được nước giếng. Thôn Cò Đồm là thôn nhiễm thuốc sâu nặng nhất, với khoảng trên 150 hộ. Mấy năm nay, nhà thầu “bỏ hoang” công trình, máy móc bỏ không, mưa nắng hoen gỉ...” - bà Trịnh Thị Liền người dân xã Cẩm Vân cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên báo DĐDN, Ông Nguyễn Văn Khôi, phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy cho biết: Toàn xã có gần 1.000 hộ được thụ hưởng nguồn nước sạch sau khi nhà máy hoàn thành, nhưng đến nay công trình còn đang dang dở, nhiều hộ dân trong xã vẫn chưa được lắp đường ống dẫn nước. Chính quyền địa phương và người dân mong muốn công trình sớm hoàn thành để có nước sinh hoạt.

Vẫn câu chuyện… thiếu vốn

Theo quan sát của phóng viên, một số hạng mục như hàng rào, máy hút nước lên bể lắng, bể chứa, hệ thống điện, ống dẫn nước đến các hộ dân chưa được xây dựng xong. Khu vực xây dựng nhà máy chưa lắp đặt thiết bị máy móc, đại công trường ngổn ngang, cỏ mọc um tùm, một số sắt thép hoen gỉ...

Các

Các cột bê tông lâu ngày đã tròi thép, nắng mưa làm hoen gỉ

Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Đại Minh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: nguyên nhân công trình chậm tiến độ, trước hết về mặt bằng, đặc biệt xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch dẫn đến một số tuyến đường ống vướng mặt bằng, chủ yếu dọc 2 bên đường Tỉnh lộ 518B, đường vào khu làng nghề... của xã Yên Lâm (Yên Định). Trong khi đó, kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 50 tỷ đồng nên không đáp ứng yêu cầu vốn trung hạn đầu tư cho dự án là 66,83 tỷ đồng; bên cạnh đó vốn ngân sách tỉnh sử dụng cho dự án là 13,2 tỷ đồng. Đến năm 2017, trung ương mới cấp 37 tỷ đồng và năm 2018 cấp thêm 5 tỷ đồng. Do nguồn vốn không đủ để thanh toán cho khối lượng nhà thầu đã thi công nên công trường vẫn chưa hoạt động trở lại được. 

Với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của 19.978 hộ dân như hiện nay. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc, giải quyết để “tái khởi động” công trình, tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh Hóa: Dự án 80,03 tỷ “đắp chiếu”, người dân “khát” nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO