Nguyên nhân ban đầu được xác định do mật độ nuôi quá dày, gấp đến 10 lần quy định dẫn đến ngao chết trắng bãi. Người nuôi ngao huyện Hậu Lộc ôm quả đắng trắng tay trước mùa thu hoạch.
Trong những ngày gần đây, diện tích nuôi trồng ngao tại địa bàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đồng loạt chết trắng bãi, người nuôi ngao đang rơi vào cảnh trắng tay.
Theo báo cáo của UBND huyện Hậu Lộc, từ ngày 23/3 tại 3 xã Hải Lộc, Minh Lộc và Đa Lộc xuất hiện ngao nuôi bị chết. Tình trạng này hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay thiệt hại rất lớn. Trong đó, xã Hải Lộc bị thiệt hại nặng nề nhất với 100% diện tích. Hiện UBND huyện Hậu Lộc chưa có thống kê cụ thể về tình hình thiệt hại trên địa bàn toàn huyện.
Trao đổi với phóng viên báo DĐDN, ông Đoàn văn Lộc, người nuôi ngao cho biết: "Bãi ngao nuôi ngao của gia đình tôi chết hết, vụ này tôi đầu tư 700 triệu đồng vào bãi ngao vậy là đã mất trắng. Mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp để hỗ trợ người nuôi ngao".
Ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) xác nhận sự việc ngao chết tại địa phương và cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha. Trong đó, có nhiều hộ ngao bị chết 100%, có hộ ngao chết 60 - 70%. Hàng ngày, chúng tôi thống kê mức độ thiệt hại do ngao bị chết, cho bà con thu gom ngao chết, vệ sinh lại cánh đồng ngao. Chờ cơ quan có thẩm quyền về xác minh tìm hiểu rõ nguyên nhân".
"Trong 10 năm trở lại đây, người dân nuôi ngao ở Hải Lộc chưa bao giờ lâm vào cảnh bi đát như vậy. Trước đây, tình trạng ngao chết chỉ rơi vào khoảng 20% - 30% vụ. Từ năm 2017, do sự cố ô nhiễm môi trường thì lượng ngao chết nhiều hơn nhưng cũng không chết nhiều như thời điểm hiện tại", ông Tý cho biết thêm.
Sau khi phát hiện ngao chết bất thường trên diện rộng, Trạm Thú y huyện Hậu Lộc đã báo cáo lên cấp trên. Nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thú y, Phòng Nuôi trồng thủy sản cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra thực địa, xác định nguyên nhân. Đồng thời, tiến hành thu 5 mẫu nước và 3 mẫu ngao gửi tới Chi cục Thú y vùng 3 để xét nghiệm bệnh và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước.
Ngày 29/3, Chi cục Thú y vùng 3 trả lời, kết quả xét nghiệm cho thấy: 3 mẫu ngao đều âm tính với ký sinh trùng Perkinsus, các chỉ tiêu về định lượng Vibrio tổng số ở 8 mẫu nước và mẫu ngao đều trong ngưỡng giới hạn cho phép; phân tích chỉ tiêu thành phần vô cơ ở 5 mẫu nước đều không phát hiện các chỉ tiêu kim loại asen, chì và thủy ngân.
Qua xác minh thực tế và kết quả phân tích trên, nguyên nhân được xác định: Ngao chết không phải do bệnh ký sinh trùng Perkinsus (P.marinus, P.olseni) thuộc Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch; không phải do vi khuẩn và các yêu tố kim loại nặng.
Chiều 2/4, Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tổ chức đi kiểm tra thực tế và tiến hành lấy mẫu xác định nguyên nhân ngao chết ở huyện Hậu Lộc.
Tại Hải Lộc, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản cho biết: Mật độ thả ngao giống quá cao. Theo khuyến cáo, chỉ nên thả ngao với mật độ 250-300 con/m2. Nhưng qua thực tế cho thấy mật độ ở đây phải đến 2.500-3.000 con/m2. Điều này khiến sức đề kháng của con ngao giảm do phải cạnh tranh thức ăn, môi trường sống, khi môi trường không thuận lợi (thời điểm chuyển mùa) dẫn đến tình trạng ngao chết gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong vùng ngao nuôi và “lây lan” khiến ngao khỏe bị chết theo. Chính quyền địa phương cần động viên người dân thu gom ngao chết; san thưa, súc rửa bãi ngao để cải thiện tình hình. Về lâu dài cần tập huấn để người nuôi ngao tuân thủ quy trình, mật độ, kỹ thuật nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc cũng cho rằng, mật độ ngao là nguyên nhân chính dẫn đến ngao bị chết: “Trước mắt, chúng tôi đã lấy mẫu nước để xem môi trường nước bị ô nhiễm không; mẫu ngao để xem ngao bệnh gì không và mẫu bùn cát để xác định có chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe không. Về yếu tố môi trường, chúng tôi chỉ mất 1 - 2 ngày để có kết quả. Còn yếu tố bệnh trên con ngao sẽ phải mất 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nhìn thực tế tại bãi ngao Hải Lộc thì bước đầu chúng tôi nhận định nguyên nhân là do mật độ ngao quá dày, cục bộ có điểm đến 5.000 con/m2”.