Nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, dự báo cao nhất có khả năng Thanh Hóa phải cắt giảm tối đa đến 50% lực lượng lao động của doanh nghiệp trong tháng 5/2020.
Thông tin từ Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có nhiều đơn vị doanh nghiệp phải thực hiện việc cắt giảm lao động, với số lao động bị ảnh hưởng là 46.686 người. Trong đó, chấm dứt hợp đồng lao động 15.982 người; lao động phải nghỉ luân phiên 7.845 người; tạm hoãn hợp đồng lao động ngừng việc 22.859 người.
Khó khăn chồng chất
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, các doanh nghiệp sẽ tiến hành cắt giảm lao động theo thứ tự như: Cắt giảm toàn bộ lao động đang trong thời gian thử việc; nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp tục như hiện nay sẽ cắt giảm đến lao động có thời hạn làm việc dưới 1 năm, bố trí cho người lao động làm việc luân phiên để duy trì hoạt động; từ tháng 5 trở đi nếu dịch COVID-19 vẫn chưa giảm thì sẽ tiếp tục cắt giảm đến hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên. Dự báo cao nhất có khả năng phải cắt giảm tối đa đến 50% lực lượng lao động của doanh nghiệp.
Do ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giầy, may mặc xuất khẩu có số lượng đông công nhân, lao động đang gặp rất khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, đến khâu xuất khẩu thành phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm hoặc phân công ca làm việc luân phiên cho người lao động. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khó có khả năng để hoàn thành được các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất năm 2020.
Anh Lê Xuân Thành, trợ lý giám đốc Công ty VICENZA cho biết: Từ đầu tháng 2 đến nay, Tổng công ty đầu tư và phát triển đô thị Vicenza đã tồn tới hơn 4 triệu m2 gạch các loại do đơn hàng xuất khẩu bị dừng, công ty đã phải tạm dừng 2 dây truyền sản xuất do không đủ nguyên liệu. Khó khăn chồng chất khó khăn và thiệt hại kinh tế là không thể tránh khỏi, song công ty đã cắt giản các chi phí không cần thiết, cố gắng duy trì một số hoạt động sản xuất để có thu nhập cho người lao động.
Chị Trần Thị Thành, công nhân Công ty may Tùng Phương đóng trên địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên công ty cắt giảm lao đông. Mình đang trong quá trình tạm nghỉ không lương nhưng khi nào có việc thì công ty sẽ thông báo đi làm lại. Rất nhiều bộ phận công nhân ở công ty tôi phải nghỉ việc, trong giai đoạn này rất khó khăn vì mất việc, rất mong nhận được sự hỗ trợ sớm kịp thời của Nhà nước".
Rà soát nhanh đối tượng được hỗ trợ
Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ về chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, cơ cấu gia hạn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ một cách kịp thời; có hướng dẫn cụ thể kịp thời cho các đối tượng được hỗ trợ khi người LĐ bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.
Liên đoàn lao động tỉnh đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động vì đại dịch COVID-19 và hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện; quy định cụ thể các đối tượng doanh nghiệp được giảm, hoãn, không phải trích kinh phí công đoàn do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động thương Binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang hướng dẫn các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp chính sách của Nhà nước quy định. Đối với các đối tượng ngành đang quản lý, hưởng chính sách chi trả trợ cấp xã hội hiện nay như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công Thanh Hóa đã dự kiến gói hỗ trợ.
"Nhưng khó khăn nhất vẫn là các đối tượng lao động tự do, lao động tạm mất việc làm, các hộ kinh doanh thu nhập thấp. Nên công tác rà soát phải làm thật chặt chẽ, để những đối tượng được hưởng đúng người, đúng chính sách. Chỉ mong sao việc hỗ rà soát nhanh, theo hướng dẫn của Chính phủ và cơ quan Trung ương hướng dẫn các thủ tục để nhanh chóng giải ngân để kịp thời hỗ trợ người lao động đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19" - ông Dũng chia sẻ.