Thanh Hoá đang hướng tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Chính phủ đang rất quyết tâm thực hiện các chủ trương, biện pháp để nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính.
Có thể khẳng định, Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tiến đến nền kinh tế số - xã hội số, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, vì một Thanh Hóa thịnh vượng.
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin
Hiện nay tại Thanh Hóa, hệ thống cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã đã được triển khai đồng bộ. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được xây dựng, tiêu biểu là Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) của Thanh Hoá đã kết nối với trục quốc gia, tích hợp 187 thủ tục hành chính lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) triển khai đồng bộ cả 3 cấp, từ tỉnh đến xã... Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh kết nối từ các cơ quan cấp tỉnh đến UBND cấp huyện, cấp xã đã và đang phát huy lợi thế rõ rệt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cuộc họp.
Năm 2020, Thanh Hóa bắt đầu đưa vào hoạt động hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, giúp số hóa toàn bộ hệ thống báo cáo, đồng thời giúp đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Việc đưa vào hoạt động phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện cũng sẽ tạo ra tác động tích cực, đổi mới trong việc xây dựng bộ máy hành chính.
Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đạt 94,77% (toàn quốc 86,5%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt tỷ lệ 93,2%, mức độ 4 đạt 32,13%. Lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử và ký số cá nhân trên văn bản đi đạt tỷ lệ 95,59%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiềm ẩn những nguy cơ, việc triển khai áp dụng các giải pháp nêu trên đã phát huy hiệu quả rõ rệt, Thanh Hóa đã giảm thiểu sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thông qua các giải pháp về chính quyền điện tử, đảm bảo “khoảng cách” xã hội cần thiết trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp.
Hướng tới xây dựng chính quyền thông minh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt các địa phương trước những thách thức và cơ hội, nếu không chủ động thích ứng và tận dụng thời cơ thì sẽ bị tụt lại phía sau. Trong điều kiện đó, chính quyền các cấp phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và là “hạt nhân” trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, người dân thích nghi, hưởng thụ thành tựu, đóng góp vào sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TP Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong tỉnh áp dụng hệ thống “Phòng họp không giấy”. Trước mỗi cuộc họp, dự thảo nội dung và tài liệu liên quan đến cuộc họp được bộ phận phụ trách tổng hợp gửi lãnh đạo phê duyệt. Sau đó, bộ phận phụ trách cập nhật lên hệ thống để các thành viên tham dự cuộc họp tham chiếu, ghi chú và chuẩn bị ý kiến đóng góp. Với mô hình này, nguồn tài liệu mở và luôn sẵn sàng để các đại biểu tra cứu trên hệ thống. Sau khi họp xong, kết quả biểu quyết, ý kiến chỉ đạo, kết luận sẽ được tổng hợp và thông báo đến các đơn vị, cá nhân liên quan. Gần 2 năm thực hiện, TP Thanh Hóa đã tổ chức rất nhiều cuộc họp theo hình thức này và đã mang lại nhiều tiện ích thiết thực.
Trước sự phát triển công nghệ thông tin, việc chuyển đổi từ phòng họp truyền thống sang “Phòng họp không giấy” là rất cần thiết. Mô hình nếu được ứng dụng đồng loạt sẽ rất thiết thực, hiệu quả. Đến nay, Thanh Hóa đã có 18 sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố triển khai hệ thống “Phòng họp không giấy”. Hướng đến cải cách thủ tục hành chính toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại, tạo lập môi trường làm việc ngày càng công khai, minh bạch và tiện lợi, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nhân rộng “Phòng họp không giấy”. Việc hình thành nền hành chính không giấy tờ là cơ sở quan trọng để xây dựng thành công đề án chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa.
Việc chú trọng xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm đang là hướng đi đúng để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với nhân dân một cách văn minh, hiện đại, an toàn, tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có thể bạn quan tâm