Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành tứ giác kinh tế cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, để đảm đương được vị trí này, Thanh Hóa cần phải có cái nhìn toàn diện, mang tầm chiến lược hơn.
Bắt kịp tư duy phát triển nhân lực
Xứ Thanh đang dần chuyển mình, tận dụng những tiềm năng sẵn có, kết hợp với tầm nhìn, chiến lược trong Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước. Bên cạnh cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này.
Nếu như coi cơ sở vật chất là một cơ thể thì nguồn nhân lực chính là chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể đó. Dù cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến đến đâu nhưng không có nguồn nhân lực chất lượng sử dụng, biến những cỗ máy thành sản phẩm, tạo ra doanh thu thì chưa thể đảm bảo tiêu chuẩn của sự phát triển. Do đó, với vùng kinh tế trọng điểm tại Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, chất lượng nhân lực càng cần được chú trọng, tạo thành dòng chảy xuyên suốt, phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.
Tiềm năng phát triển của Thanh Hóa là rất lớn, thể hiện rõ ràng nhất trong 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do dịch COVID-19, kinh tế Thanh Hóa vẫn đạt 8,66%, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước đó vào năm 2019, Thanh Hóa còn có mức phát triển ấn tượng hơn khi tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay; GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD.
Để có được những thành quả này, chắc chắn không thể không nhắc đến sự đóng góp của lực lượng lao động. Hơn 10 năm trước, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đây là tiền đề để Thanh Hóa thực hiện các chương trình phát triển nhân lực trong mọi ngành nghề lĩnh vực.
Trong đó, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2030. Nhờ những chính sách này, Thanh Hóa đã và đang xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, cung cấp cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Sẵn sàng cho chiến lược mới
Với các chính sách đã thực hiện, Thanh Hóa sở hữu nền tảng vững chắc về đào tạo, cung ứng, quản lý nhân lực. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thời đại mới, đặc biệt là mục tiêu trở thành tứ giác kinh tế cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa cần phải có cái nhìn toàn diện, mang tầm chiến lược hơn để đảm đương được vị trí quan trọng này.
Theo đó, bên cạnh triển khai và nâng cao những chính sách, chương trình đang thực hiện, tỉnh Thanh Hóa có thể tận dụng nguồn nhân lực kinh nghiệm về quê tránh dịch để bổ sung vào những vị trí còn thiếu. Hiện nay Thanh Hóa là một trong những tỉnh đang “khát” công nhân, đặc biệt trong ngành may mặc, da dày. Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh có 28 doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển lao động. Ngoài ra, nhiều nhà máy thiếu nhân lực trầm trọng, số nhân công hiện tại chỉ chỉ đáp ứng khoảng 60-70% công suất thiết kế.
Vì vậy, hàng ngàn công nhân về quê tránh dịch sẽ là nguồn nhân lực quý giá, giúp tỉnh Thanh Hóa giải quyết khó khăn trước mắt. Cùng với đó, người lao động sẽ yên tâm hơn khi được cung cấp việc làm trong mùa dịch.
Với tiềm năng to lớn, Thanh Hóa đang là điểm đến của nhiều ông lớn công nghệ, bao gồm Foxconn và Samsung. Cụ thể, Foxconn muốn tìm kiếm một địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 tới 150ha với tổng vốn đầu tư vào khoảng 1.3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu vào 10 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Samsung cũng khẳng định sẽ giúp Thanh Hóa thu hút đầu tư. Điều này cho thấy, cơ hội thu hút các tập đoàn lớn của xứ Thanh đang rộng mở, đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực để đón chào vận hội mới.
Những quyết sách của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị chính là nền tảng vững chắc cho Thanh Hóa tung cánh. Hy vọng rằng, với tiềm lực của mình, Thanh Hóa sẽ sớm hiện thực hóa được mục tiêu này, trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế đất nước.
Có thể bạn quan tâm