Từ độ tháng 3, mùa hoa mùa con ong chăm chỉ đi lấy mật, những người nuôi ong cũng tất bập vào mùa để thu hoạch mật ong, nghề nuôi ong mang lại giá trị kinh tế cho các huyện miền núi xứ Thanh.
Mùa Xuân khi cây cối đâm trồi nảy lộc đi qua chuẩn bị cho một mùa hoa, mùa quả đậu sum suê. Tới thời điểm tháng 3 mùa hoa mùa những người nuôi ong lấy mật tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa cùng đang tất bật đồ đạc, dụng cụ để chuẩn bị cho thu hoạch mật ong. Với tiết trời mưa thuần gió hòa như đầu mùa xuân năm nay, những người nuôi ong tại xứ Thanh dự đoán một mùa mật bội thu, đem lại niềm vui cho mùa mật ngọt.
Ông Lê Thọ Cuốn, một hộ nuôi ong lớn tại huyện miền núi Thường Xuân cho biết, mùa nào ong cũng đi lấy mật, cứ hoa nở là ong sẽ đi lấy mật. Thế nhưng, mùa này ong lấy được nhiều mật nhất và mật ong mùa này cũng là ngon nhất, nên ai cũng cho rằng, tháng 3 là mùa ong đi lấy mật. Từ tháng 3 đến tháng 6, ong cho quay mật liên tục. Cách khoảng 10 đến 15 ngày lại cho thu hoạch mật một lần hoặc cũng tùy vào nguồn hoa khi nào kiểm tra thấy cầu ong vít nắp mật đầy thì người nuôi ong sẽ tiến hành thu hoạch. Qua tháng 6 sau đó cho ong nghỉ, hạn chế khai thác để tách đàn, nhân giống. Nhà nông coi ong là bạn, còn ong coi chúng ta là “ngân hàng” để trữ mật, ong sẽ gắn bó khi chúng ta đảm bảo chúng luôn đủ mật để nuôi ong non vào mùa chúng không lấy được mật. Để đảm bảo được điều đó, người nuôi ong phải giữ đủ lượng mật cho ong khi ong cần. Tuy nhiên, để có được năng suất mật lớn, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có thể tiếp tục khai thác mật quanh năm. Nếu không có mật để nuôi ong non, ong sẽ bay bỏ đi.
Nguyên tắc khi tiếp cận các đàn ong chúng ta nên mặc bộ đồ bảo hộ và hạn chế mặc các màu đen hay sẫm màu. Ông cũng không quên dặn chúng tôi đi lại nhẹ nhàng, bởi ong sẽ tấn công tập trung một mục tiêu khi chúng cảm thấy bị đe dọa, nếu thực hiện mọi thao tác nhẹ nhàng, kể cả việc lấy mật, rất ít trường hợp bị ong đốt.
Ông Lê Thọ Cuốn, tại xã Xuân Dương nuôi ong với tổng gần 50 đàn ong. Mỗi mùa, ông tìm nơi hợp lý để đặt bọng ong, sao cho chúng có thể kiếm được nhiều mật nhất có thể. Con đường để chinh phục con ong của ông Cuốn cũng trải qua không ít gian nan. Với hơn 40 năm làm nghề nuôi ong, ông Cuốn “hiểu con ong như hiểu chính mình” để từ đó có thể phát triển đàn ong, tách đàn, nuôi ong lấy mật và bán giống, bán vật tư nghề ong. Mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập cả từ 100 triệu đồng trở lên. Nuôi ong giúp ông và các hộ nuôi khác phát triển kinh tế gia đình, nhiều người còn phát triển lên thành trang trại nuôi ong lớn làm giàu từ nuôi ong lấy mật.
Tâm huyết với nghề, ông Cuốn còn giúp đỡ hướng dẫn các hộ nuôi khác. Được biết, mật ong của huyện miền núi Thường Xuân đang được xây dựng thương hiệu để trở thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian sắp tới.
Theo thông tin từ phòng nông nghiệp huyện Thường Xuân, nuôi ong không phải nghề mới, nhưng người nuôi ong quy mô trong huyện thì không nhiều, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong dân. Nhưng những năm trở lại đây, số lượng nuôi ong ngày càng tăng lên, nhiều hộ nuôi cũng có được nguồn thu nhập ổn định từ nuôi ong lấy mật.
Ông Trần Cao Vinh, 72 tuổi người nuôi ong cho biết: Nuôi ong cũng không phải vất vả chân tay nhiều, nhưng phải dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng. Mặc dù nuôi nhỏ lẻ chỉ hơn 10 đàn ong, những mỗi năm vào vụ mật gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Thọ Tranh, thôn 3 xã Xuân Dương, năm nay cũng đã 70 tuổi nhưng ngoài niềm vui bên những đàn ong sớm chiều, thì mật ong cũng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Tranh cho biết: Tuy tuổi đã cao nên ông chỉ nuôi giới hạn ít đàn ong, vừa với sức của mình. Từ khi mua ong giống của ông Lê Thọ Cuốn, được ông Cuốn hướng dẫn và hỗ trợ làm kỹ thuật cũng như thu hoạch nên việc nuôi ong của ông rất thuận lợi. Trong vườn nhà ông hiện có 10 đàn ong, mùa này thu hoạch hoa nhãn, hoa vải mỗi lần thu hoạch mật cũng thu về từ 5 đến 10 lít mật. Mật bán tại nhà cũng từ 250.000-300.000 đồng/lít.
Nuôi ong cũng có những nỗi niềm vui buồn riêng bởi trong quá trình nuôi ong lấy mật phải gắn bó, sát sao cùng chúng, bởi nếu đàn ong có dấu hiệu lạ, người nuôi ong lại lo lắng, mất ăn mất ngủ. Ví như ngày “xấu trời”, ong lấy mật ở những cây hoa có phun thuốc bảo vệ thực vật khiến ong bị chết hoặc gặp năm thời tiết thất thường, nguồn hoa ít, ong không lấy đủ mật… Những nỗi lo của người nuôi ong cũng cứ quẩn quanh như thế, chỉ mong mưa gió thuận hòa, con ong cần mẫn lấy mật, cây trái đậu quả sum suê.
Mật ong Thường Xuân cũng trở thành sản phẩm làm quà biếu rất tốt cho sức khỏe được người dân trong vùng ưa chuộng. Về Thường Xuân mà không mua một chai mật ong đem về thì như thiếu xót được thưởng thức món ẩm thực sản vật tự nhiên ban tặng mang lại.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp nông nghiệp: Bỏ phố về nuôi ong làm giàu
04:07, 28/12/2019
U80 lập nghiệp thành công nhờ nuôi ong, kiếm gần tỷ đồng mỗi năm
04:05, 25/03/2019
Về quê, bán hết vàng cưới, cặp vợ chồng trẻ trồng bưởi sinh thái, nuôi ong làm giàu
05:03, 25/02/2021
Câu chuyện lập nghiệp thành công nhờ nuôi ong của lão nông
05:18, 17/12/2018