Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa công bố thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.
Trong quá trình xây dựng đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần lưu ý về quy hoạch chung, nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức (có thể thực hiện qua hình thức họp trực tuyến). Mục tiêu nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của TP.
Có thể thấy, với thời gian rất dài kiên trì nghiên cứu và theo đuổi với nhiều nhiệm kỳ nhân sự quản lý chính quyền khác nhau đây là đề án được chính quyền TP Hồ Chí Minh đặt rất nhiều tâm huyết với sự kỳ vọng sẽ mang tính đột phá, đầu cầu kích thích phát triển kinh tế của TP nói riêng và của các địa phương trong khu vực nói chung như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời đại 4.0 cũng như giải quyết được bài toán căn cơ về phát triển bền vững trong tương lai.
Luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích, với đề xuất thành lập “TP trực thuộc TP” như trên mặc dù chưa có tiền lệ; tuy nhiên cơ sở pháp lý đã có và mô hình này đã được dự liệu cũng như đã đề cập qua các văn bản pháp luật trong thời gian gần đây.
Trước hết phải kể đến Hiến Pháp năm 2013, cụ thể là tại Điều 110 đã có phần mở rộng hơn so với bản Hiến Pháp 1992 với nội dung “TP trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương”.
Tiếp đến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đề cập “TP thuộc TP trực thuộc trung ương” tại Điều 2 quy định về “Các đơn vị hành chính” của nước ta; và từ Điều 51 đến Điều 73 của Luật này liên tục đề cập về đơn vị hành chính trên. Do đó, về mặt pháp lý thì đơn vị hành chính này đã được dự liệu và luật hóa trong các văn bản pháp luật nên việc đề xuất để thành lập “TP thuộc TP” là hoàn toàn có cơ sở.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, ý tưởng thành lập Thành phố trực thuộc TP.HCM là tuyệt vời, đồng thời cho rằng, ý ưởng này đã từng được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ TP.HCM vào năm 2010 nhưng vẫn còn rời rạc, thiếu tính kết nối.
Đến năm 2018, TP.HCM tiếp tục đặt ra vấn đề thành lập một thành phố nằm trong thành phố và sau bao nhiêu lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia thì đề án này cơ bản đã xong phần ý tưởng, bây giờ đã chuyển sang giai đoạn thông qua quy hoạch.
“Nếu đề án này được đưa ra thì có lẽ Thành phố khu Đông sẽ được xếp vào loại đô thị loại I, hoặc ít nhất là trong giai đoạn II sau khi giai đoạn đầu đi vào hoạt động” – ông Châu khẳng định.
Theo các chuyên gia, thành phố mới này cần được áp dụng chính sách đặc thù để phát triển hiệu quả như mô hình Phố Đông (Thượng Hải) hay Gangnam (Seoul) với các cơ chế đặc biệt liên quan đến việc mở cửa ra bên ngoài, lựa chọn các đối tác chiến lược và trao quyền tự chủ cần thiết để TP.HCM phát huy được khả năng, tiềm lực vốn có.
Có thể bạn quan tâm
7 nhiệm vụ cụ thể xây dựng "Phố Đông" TP.HCM
06:00, 29/07/2020
Trăn trở “Phố Đông”
11:00, 18/06/2020
Đừng để "Phố Đông" TP.HCM chỉ là nơi nuôi dưỡng bất động sản
14:00, 08/06/2020
"Phố Đông" - Cánh cửa cải cách mới: Vốn mồi cho phố Đông
14:00, 17/05/2020
“Phố Đông” - “cánh cửa cải cách mới”: Lường trước khó khăn để hóa giải điểm nghẽn
06:30, 17/05/2020