Hầu hết doanh nghiệp đều có tâm lý, thanh tra kiểm tra vào gây khó cho doanh nghiệp.
Điều này không đúng với bản chất của vấn đề là thanh kiểm tra để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp. Thanh tra kiểm tra giống như trọng tài trên sân bóng, Doanh nghiệp rất muốn kinh doanh tử tế, song với doanh nghiệp làm ăn không chân chính, trọng tài có thể đuổi ra khỏi sân. Nên thanh kiểm tra cần điều đó, nhưng thanh kiểm tra có đáp ứng được điều đó không lại là chuyện khác.
Vì vậy, về mặt nhận thức, các cơ quan thanh tra phải thực hiện tốt vai trò của mình, phải hiện diện đúng lúc, đúng chỗ, đúng thẩm quyền để làm lành mạnh sân chơi thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp bản thân cũng tham gia cuộc chơi đúng luật nhưng cũng giúp cho Nhà nước phát hiện ra những khuyết tật, khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách để hoàn thiện. Trở lại câu chuyện thực trạng, tại sao thanh kiểm tra lại phiền hà. Tôi nghĩ câu chuyện từ 3 phía: từ cơ quan thanh tra kiểm tra, từ phía doanh nghiệp và từ cơ chế chính sách. Trong đó, cơ chế chính sách là quan trọng. Tại sao doanh nghiệp kêu các cơ quan thanh tra kiểm tra? Sự chồng chéo không phải từ cơ quan thanh tra kiểm tra mà từ luật. Hay câu chuyện khó khăn cho doanh nghiệp, khó từ cơ chế chính sách rất nhiều, từ các điều kiện kinh doanh. Không ít cán bộ thanh kiểm tra đã lợi dụng bộ công cụ đó để “hành” doanh nghiệp. Muốn khắc phục những điều này, bản thân nhà nước phải chủ động để rà soát, bỏ điều kiện không cần thiết, bỏ thủ tục không minh bạch đi. Vì một khi không minh bạch nó sẽ gây khó dễ cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải lên tiếng có trật tự, có bài bản, có lý lẽ thuyết phục để sửa đổi chính sách.
Về phía cơ quan thanh kiểm tra, phải nhìn lại vị trí, vai trò của mình. Công tác thanh kiểm tra dù nêu rõ mục đích, yêu cầu, nhưng nhận thức đôi khi không thống nhất. Thanh kiểm tra là để hoàn thiện cơ chế chính sách, để bịt những lỗ hổng, có tính chất lỗi hệ thống chứ không phải phạt.
Tôi cho rằng, trong tổng kết vẫn nặng về báo cáo hàng năm tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra, phát hiện bao nhiêu vụ... và ngay cả trong nhận thức của không ít những nhà quản lý, lãnh đạo cũng hiểu như vậy. Thanh tra là tai, là mắt của Chính phủ chứ không phải là tay, là quả đấm thép. Đồng thời, cần xem cơ chế thanh tra kiểm tra giám sát để ai làm việc người nấy, không chồng chéo. Vì hiện nay doanh nghiệp kêu nhiều là có thật nhưng không thể kiểm toán làm việc của thanh tra, tức phân công mỗi người một việc nên cần xử lý được cái gốc, chức năng nhiệm vụ đúng thẩm quyền để phân định... mới là quan trọng.