Nguồn vốn từ ngân hàng như bộ khung nâng đỡ các dự án bất động sản. Đối với mỗi dự án nếu được cấp tín dụng xem như là bảo chứng cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng.
>>> Bất động sản nghỉ dưỡng cần "danh phận"
Chia sẻ tại Diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” do Báo Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam chỉ rõ 3 nhóm bị ảnh hưởng khi dòng tiền trục trặc.
Thứ nhất là các nhà phát triển, các chủ đầu tư các dự án. Các chủ đầu tư bắt buộc có 20% vốn, theo quy định 20% để đền bù giải phóng mặt bằng. Có mặt bằng rồi mới tính đến các vấn đề khác như: huy động vốn, đóng thuế… chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục đi vay.
Theo ông Đính, trong hệ thống vay ngoài số tiền của khách hàng, chủ đầu tư còn ứng tiền của các nhà cung cấp và còn lại vẫn phải có vốn mồi tín dụng. Khi các chủ đầu tư đang triển khai dự án rồi, dự án đang trơn tru bởi dòng vốn, đến khi bị dừng lại nhất là các dự án đang dở dang sắp hoàn thành thì lập tức các dự án này cũng bị dừng lại không hoạt động, không có tiền thanh khoản chi trả các khoản cho công nhân, nhà thầu, cho nhà cung cấp.
Việc dừng đó dẫn đến hệ lụy, đặc biệt xảy ra nguy cơ không có sản phẩm trả cho khách hàng và có thể bị khách hàng kiện… và không thu thêm được tiền của khách hàng.
“Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới rất nhiều doanh nghiệp đến hạn trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn” – ông Đính bày tỏ.
Ông Đính dẫn chứng thống kê của Hội Môi giới, nguồn cung các dự án lần đầu vào thị trường, năm 2018 khoảng 200 ngàn sản phẩm mới, 2019 hơn 100 ngàn, 2020 và 2021 xuống còn 60 ngàn và 6 tháng đầu năm 2022 còn hơn 20 ngàn sản phẩm…
"Đây là sản phẩm chính thống vào thị trường, còn sản phẩm không chính thống (đất nền) tự phát ở các địa phương cũng được tung vào thị trường hơn gấp 1,5 lần so với sản phẩm chính thống" - ông Đính cho biết.
“Giai đoạn trước bơm tiền rất dễ vào các hoạt động mua bán sản phẩm đất nền. Cho nên, có dòng vốn bơm vào đó gây ra bong bóng và khủng hoảng của thị trường nhanh hơn. Giá cả cũng bị đẩy nhanh hơn, tăng phi mã giá bán ở nhóm đất nền này dẫn đến làn sóng tăng giá của sản phẩm thị trường chính thống. Từ đó đẩy giá cả dòng sản phẩm chính thống như chung cư, căn hộ… Dòng vốn chảy vào thị trường không chính thống quá dễ và ngân hàng thấy đang có bong bóng thì dừng lại, điều đó là hợp lý, ngân hàng cần bảo vệ an ninh cho hệ thống" - theo ông Đính.
Thứ hai là nhóm ảnh hưởng đến ngành nghề. Theo thống kê có khoảng hơn 30 ngành nghề bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản như: Vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… và các chủ dự án không có tiền thanh toán thì các ngành nghề này cũng bị ảnh hưởng, dừng lại hoạt động.
Nhóm thứ ba là khách hàng, làm ra sản phẩm rồi mà không tiêu thụ được trong khi nhóm công nhân thu nhập thấp, đối tượng chính sách lại các không có tiền để mua và họ vẫn phải dùng đến các dòng tín dụng rất nhiều. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng đó thì đầu ra thị trường càng đi xuống.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VNGroup khẳng định, nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, là bộ khung nâng đỡ cho các dự án của doanh nghiệp. Đối với mỗi dự án nếu được cấp tín dụng xem như là bảo chứng cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng.
Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác, trong đó có nguồn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy vậy, điều kiện huy động vốn từ các tổ chức này rất khó khắt khe do liên quan đến các thủ tục pháp luật… Cho nên, ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản trong vấn đề vốn.
"Thời gian qua có những bất cập trong một số dự án đầu tư bất động sản, song chúng ta không nên đánh đồng các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng yếu kém mà có nhiều doanh nghiệp rất chắc chắn, đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Mặt khác, thiết nghĩ, khi có nảy sinh những khó khăn, các đơn vị tài chính, ngân hàng cần có cách xử lý phù hợp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của doanh nghiệp" - ông Thành đề xuất.
Về phía Hiệp hội Bất động sản, ông Đính cho rằng, phát hành trái phiếu là công cụ quan trọng có tác dụng với doanh nghiệp, hiện nay các hoạt động phát hành trái phiếu đang bị trục trặc, hiện hoạt động này đang bị cầm chừng và nhỏ giọt.
"Tôi mong muốn cần đẩy nhanh, ban hành các quy định để tạo các hành lang pháp lý tạo niềm tin cho các nhà đầu tư để tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có hiệu quả, tốt hơn trong tương lai gần" - ông Đính khẳng định.
Có thể bạn quan tâm