Doanh nghiệp

Tháo rào cản, thúc đẩy điện sạch cho khu công nghiệp

[ Phan Công Tiến – Giám đốc Viện Nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (iSEAR) ] 15/05/2025 11:00

Tự chủ nguồn năng lượng từ lâu đã là mục tiêu chiến lược của nhiều đơn vị, trong đó quyền được mua bán, tiếp cận, sử dụng, lưu trữ nguồn năng lượng.

620e7cb6d5dc608239cd.jpg
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” vào chiều 15/5/2025.

Mới đây, với việc ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP và Nghị định 58/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình điện năng linh hoạt, đặc biệt là cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và cơ chế tự sản xuất tự tiêu thụ. Các chính sách mới đã mở rộng quyền được tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ đã mang lại lợi thế rõ rệt cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá điện biến động và yêu cầu giảm phát thải ngày càng cao.

Tuy nhiên, hai Nghị định trên còn một số vướng mắc cần được khai thông, tháo gỡ kịp thời để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, cụ thể:

Một là, hiện nay trong các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, phổ biến tồn tại hai mô hình cấp điện chính. Thứ nhất là mô hình cấp điện trực tiếp, Công ty Điện lực tỉnh xây dựng hạ tầng và cung cấp điện cho doanh nghiệp trong KCN qua lưới 22kV. Thứ hai là mô hình bán lẻ điện cụm khu, đơn vị quản lý KCN mua điện từ lưới 110kV và phân phối bán lại cho khách hàng ở cấp điện áp 22kV hoặc 0,4kV. Ở mô hình cụm khu, thường có hai nhóm chính gồm: một nhóm khách hàng thuê nhà xưởng để sản xuất, nhóm còn lại tự xây dựng nhà xưởng trong KCN. Thực trạng này, nhiều doanh nghiệp trong mô hình bán lẻ cụm khu ở nhóm thứ hai vẫn gặp khó trong việc triển khai. Nguyên nhân là do khách hàng sản xuất không đạt được sự thống nhất với đơn vị quản lý KCN, mặc dù Nghị định đã quy định rõ việc cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Vì vậy kiến nghị cơ quan chức năng cần có quy định và hướng dẫn cụ thể hơn để các bên tham gia như được chia sẻ kinh phí cho đơn vị đã đầu tư lưới điện theo giá trị tài sản đã khấu hao hoặc các qui định cụ thể khác tạo điều kiện ưu tiên cho khách hàng sản xuất được lắp điện mặt trời.

Hai là, việc áp dụng khống chế giá trần trên đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) qua đường dây riêng hiện đang gây khó cho doanh nghiệp. Trên thực tế, việc kiểm soát giá trần chỉ thực sự cần thiết khi thị trường có dấu hiệu độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh, nhà nước can thiệp để ngăn chặn hành vi đẩy giá bất hợp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, với mô hình DPPA sử dụng đường dây riêng, nơi mà khách hàng có thể tự đàm phán và lựa chọn rất nhiều đối tác cung cấp, việc áp dụng giá trần là không cần thiết và làm giảm tính linh hoạt trong thương thảo hợp đồng mà còn hạn chế quyền lựa chọn của khách hàng nên chúng tôi kiến nghị nên bỏ qui định này.

Ảnh 1
Nhà máy Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất 1250 Kwp vào 03/2025 do Công ty EPC Solar lắp đặt tại tỉnh Thái Bình.

Ba là, việc áp dụng quy định giới hạn công suất hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu không vượt quá phụ tải cực đại (Pmax), làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án. Thực tế, điện mặt trời là nguồn năng lượng phụ thuộc vào thời tiết, công suất phát thường dao động theo thời điểm trong ngày và bức xạ. Do đó, để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều doanh nghiệp thường lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất lớn hơn phụ tải max. Việc "dư công suất" này không chỉ giúp tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng vào các thời điểm nắng yếu mà còn để lưu lại khi đi kèm hệ thống lưu trữ. Khi đó, phần điện dư được tích trữ để sử dụng vào thời điểm ít nắng hoặc ban đêm, giúp gia tăng mức độ tự chủ năng lượng nên đề nghị bỏ qui định này vì hệ thống thường có thiết bị chống phát ngược nên không ảnh hưởng lưới.

Bốn là, một trong điểm khó khả thi liên quan đến cơ chế mua bán điện trực tiếp thông qua lưới quốc gia là quy định bắt buộc các dự án có công suất từ 10 MW phải thực hiện chào giá trên thị trường điện giao ngay. Các nhà máy công suất nhỏ hơn 30Mw, thường chỉ đấu nối vào lưới phân phối 110 kV trở xuống và không đủ công suất để đưa lên lưới truyền tải 220 KV, do công suất bé lại cùng khu vực địa lý của người mua nên việc bắt buộc tham gia thị trường giao ngay là không hiệu quả kinh tế và gây khó cho các bên.

Vì vậy, cần xem xét lại quy định này và cho phép các dự án dưới 30 MW, được mua bán điện theo hình thức thỏa thuận song phương giữa khách hàng và nhà cung cấp. Khi đó các bên sẽ chi trả các phí sử dụng lưới phân phối và dịch vụ qui định cho EVN mà không bắt buộc phải tham gia thị trường điện giao ngay, giúp giảm truyền tải đi xa gây tốn kém, tạo hiệu quả hơn cho người mua bán trực tiếp. Với những sự thay đổi này sẽ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn điện phân tán tại khu vực địa phương các tỉnh thành.

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”.

Thời gian: Từ 13h30 -17h30, thứ Năm, ngày 15/05/2025
Địa điểm: Tầng 7 – Tòa nhà VCCI, TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tháo rào cản, thúc đẩy điện sạch cho khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO