Muốn thay đổi hay góp phần giải quyết thách thức của nền kinh tế tiền mặt, "mặt trận" công phá của các Fintech mới đang nhắm vào thị trường bán lẻ.
Theo Christian Nguyễn, nhà sáng lập Wee Digital, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có sự tăng tốc mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ và thay đổi dần đến toàn diện mọi lĩnh vực. Trong đó, có lĩnh vực thanh toán và phát triển một xã hội không tiền mặt.
Mặc dù có tốc độ phát triển mạnh thị trường dịch vụ tài chính gần 78 tỷ USD của Việt Nam vẫn tồn tại hiện trạng: Các chi nhánh ngân hàng mới xuất hiện 6% ở vùng nông thôn; 60% dân số chưa được dùng dịch vụ ngân hàng; 90% các giao dịch vẫn dùng tiền mặt và mới chỉ có 2% dân số dùng thẻ tín dụng. Có thể nói chúng ta vẫn đang dừng ở một nền kinh tế tiền mặt và việc hướng đến xã hội không dùng tiền mặt trở thành một thách thức lớn.
Song song đó, thị trường bán lẻ trị giá gần 129 tỷ USD vẫn tồn tại việc bán hàng chủ yếu qua kênh truyền thống (chợ, tạp hóa), mới chỉ có 14% thực hiện qua kênh bán hàng hiện đại. Các kênh bán hàng hiện đại mặt khác lại đang mở rộng rất nhanh, ở tốc độ tăng trưởng 12% nhờ sự phát triển của nền kinh tế số.
Hình dung một cách đơn giản, muốn thay đổi hay góp phần giải quyết thách thức của kinh tế Việt Nam, “mặt trận” của Wee Digital là ứng dụng công nghệ để tham gia vào quá trình hướng đến xã hội không tiền mặt. Và thị trường bán lẻ sẽ là nơi có sức “công phá” thói quen, thay đổi thói quen và hành vi thanh toán của người dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất.
“Facepay là cách thanh toán nhanh nhất, tiện lợi, an toàn, đơn giản nhất cho người dùng. Đây là xu hướng tương lai của công nghệ sinh trắc học và đem lại sự cá nhân hóa cho tất cả trong cuộc sống con người. Nếu cần lấy một số liệu nào đó so sánh, ta có thể thấy hiện tại nhiều doanh nghiệp sử dụng và bàn đến QR thanh toán thống nhất. Song trên thực tế, số lượng giao dịch thực sử dụng QR đang rất thấp và thị trường còn nhiều dư địa với hơn 99,99% (số liệu ước lệ - NV) để các fintech sáng tạo và đưa ra cách tiếp cận mới với thị trường”, Christian Nguyễn nói.
CEO của công ty công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thanh toán cũng khẳng định với anh, khác biệt không hẳn là tốt nhất. Trải nghiệm của người dùng và tốt nhất thật sự, mới chính là tốt. “Việc trải nghiệm khách hàng là tất cả. Không phải lúc nào khách hàng cũng cần khuyến mãi. Có lần 1 khuyến mãi, họ sử dụng. Nhưng không có lần 2 thì không chắc họ sử dụng nữa hay không. Và do đó sẽ không chắc có thể thay đổi thói quen của người dùng tốt hơn”.
“Trải nghiệm” cũng là “từ khóa” khiến Wee Digital gặp GS25 – chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi đến từ Hàn Quốc. Ông Mai Thụy Nhân, Giám đốc GS25 Việt Nam cho biết hiện GS25 chấp nhận khoảng hơn 25 phương thức thanh toán khác nhau ngoài tiền mặt tại các điểm bán hàng.
“Đầu năm 2020, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại GS25 Việt Nam ước chiếm khoảng 10%. Đến hiện nay sau 9 tháng, số liệu đó đã tăng lên trên 30%. Đây là một tín hiệu cho thấy GS25, với đại đa số khách hàng là giới văn phòng và người trẻ, sẵn sàng trải nghiệm và tiếp nhận các phương thức thanh toán mới. Sự tiện lợi của Facepay, chắc chắn sẽ là điểm cộng trải nghiệm cho khách hàng và nó đặc biệt phù hợp với tương lai khi bước chuyển đổi về bán lẻ với thanh toán trên nền tảng công nghệ của Việt Nam cũng đòi hỏi eKYC – định danh khách hàng điện tử", ông Mai Thụy Nhân chia sẻ.
Theo lãnh đạo chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi đang nổi lên rất nhanh về tốc độ mở chuỗi tại Việt Nam, trong vòng 1 tháng tới sau hợp tác cùng Wee Digital và Napas, GS25 sẽ kích hoạt thanh toán phổ biến Facepay trên toàn hệ thống.
Facepay được biết, đã nhận vốn triệu đô từ Inter Vest và VinaCapital Ventures vào tháng 4/2020. Thuật toán nhận dạng khuôn mặt và hạ tầng kỹ thuật của Wee Digital có thể xử lý nhận dạng được 50 triệu khuôn mặt mỗi giây, đáp ứng đủ cho nhu cầu thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt của người dân Việt Nam. Và bước hợp tác chiến lược cùng Napas đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho Facepay, bước vào các lĩnh vực khác ngoài GS25 hay bán lẻ.
“Chúng tôi đặt data base tại Việt Nam, đảm bảo an toàn bảo mật và theo đúng quy định của NHNN. Chúng tôi là công nghệ Việt, cho người Việt và cam kết sẽ không bán start up trước khi chúng tôi triển khai được công nghệ rộng rãi cho thị trường. Sau GS25, dự kiến tới đây Facepay sẽ kết nối rộng rãi với 4 nhà bán lẻ lớn khác trên thị trường, chưa bao gồm các nhà bán lẻ nhỏ hay mảng cung cấp dịch vụ thanh toán B2B cho hệ thống ngân hàng”, CEO Wee Digital nói.
Có thể bạn quan tâm