Bạn đã bao giờ đi qua một quán trà sữa và thấy đám đông người trẻ đang xếp hàng dài để tìm kiếm thứ đồ uống đầy màu sắc. Điều gì khiến loại đồ uống này trở nên phổ biến như vậy tại Việt Nam?
>>>Xu hướng mở quán trà sữa của giới trẻ: Giấc mơ ngọt ngào và hiện thực phũ phàng
Nguồn gốc của trà sữa
Mặc dù có vẻ như là một xu hướng đồ uống tương đối gần đây, nhưng trên thực tế trà sữa trân châu đã trở thành một thức uống phổ biến ở các nước châu Á từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ở đâu đó giữa những loại đồ uống ưa thích, món pha chế khá “điên rồ” này dường như đã thu hút sự chú ý của những người trẻ tuổi nhờ sự đa dạng về màu sắc, hương vị và kết cấu của nó.
Thức uống đặc trưng thường thấy này dựa trên công thức của người Đài Loan, pha trộn cốt trà nóng hoặc lạnh với sữa, trái cây và nước ép trái cây, sau đó thêm trân châu bột sắn mềm và dai ở dưới cùng. “Tapioca” là một loại tinh bột được chiết xuất từ củ sắn, không chứa gluten và hương vị khá nhạt, nhưng kết cấu tuyệt vời.
Theo một giai thoại ghi lại, trà sữa trân châu được xuất phát từ một quán trà có tên là Chun Shui Tang ở Đài Trung (Đài Loan). Giám đốc phát triển sản phẩm của công ty, Lin Hsiu Hui, cảm thấy buồn chán trong một cuộc họp nhân viên vào một ngày nọ và quyết định bỏ món tráng miệng Đài Loan, fen yuan (một loại bánh bột sắn có đường) vào trà đá Assam và uống nó. Sau đó, thứ đồ uống được ưa chuộng đến mức họ quyết định thêm nó vào thực đơn, và nó sớm trở thành sản phẩm bán chạy nhất của công ty.
Ngay sau khi chứng kiến sự thành công của thức uống này tại quán trà Chun Shui Tang, các công ty nhượng quyền trên khắp Đài Loan đã bắt đầu thêm trân châu bột sắn và các hương vị trái cây khác nhau vào trà đá của họ, và trà sữa trân châu bắt đầu như bây giờ chúng ta biết…
>>>Chàng trai một tay mở quán trà sữa doanh thu 2 triệu đồng/ngày
>>>Bài học kinh doanh từ 'cú ngã ngựa' của trà sữa Ten Ren
Việt Nam lọt top 3
Theo một báo cáo xuất bản ngày 16/8 vừa qua của Momentum Works và công ty giải pháp thanh toán kỹ thuật số Qlub cho thấy, niềm yêu thích với món trà sữa trân châu đã lan tỏa khắp Đông Nam Á và khiến ngành công nghiệp này chạm tới mức doanh thu 3,66 tỷ USD trong năm 2021.
Theo báo cáo này, doanh thu ngành trà sữa Việt Nam đã lọt top 3 trong khu vực với 362 triệu USD, chỉ đứng sau hai thị trường hàng đầu là Indonesia với 1,6 tỷ USD và Thái Lan là 749 triệu USD trong năm 2021.
Trong khi theo một đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%).
Một cuộc khảo sát của cổng dữ liệu Statista của Đức và nhà nghiên cứu thị trường Việt Nam Q & Me gần đây cho thấy, Việt Nam có 439 cửa hàng trà sữa, với hơn một nửa nằm ở Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 4 năm 2022. Trong đó, Bobapop, một thương hiệu địa phương, dẫn đầu về địa điểm với 89 cửa hàng. Tiếp theo là ba công ty nước ngoài là Tiger Sugar (48 cửa hàng), The Alley (47) và Gong Cha (42).
Trào lưu nhất thời hay xu hướng?
Mặc dù trà sữa đã du nhập vào Việt Nam từ năm 2002 với thành phần chính ban đầu chỉ là trà, sữa và trân châu đen, nhưng nó chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2012, bởi các thương hiệu trà sữa Đài Loan đã đưa mô hình kinh doanh dạng chuỗi với thiết kế hiện đại, quy mô lớn vào.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu thị trường trà sữa gần đây cho thấy, đồ uống này ngày càng trở thành một cơn sốt và không có dấu hiệu hạ nhiệt khi số lượng các cửa hàng mở bán trà sữa đang liên tục tăng nhanh. Càng ngày thị phần của trà sữa ngày càng được mở rộng, hiện đã trở thành một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, mặc dù có tỷ suất lợi nhuận cao (60%-70%), nhưng trà sữa vẫn là một ngành hàng khó cạnh tranh do các sản phẩm dễ sao chép và các vấn đề về chuỗi cung ứng. "Đây là một ngành công nghiệp mà 90% cửa hàng thất thu", nghiên cứu chung của Momentum Works và Qlub lưu ý.
Có thể thấy, sau những thời điểm khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới trong vài năm qua, thị trường trà sữa được coi là sẽ tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng mạnh. Và với một thị trường đầy hứa hẹn với tỷ suất lợi nhuận cao như trà sữa, đó có vẻ không phải là một trào lưu nhất thời, mà sẽ là xu hướng trong nhiều năm tới. Những doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng này, có thể sẽ tìm kiếm được động lực tăng trưởng trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Chàng trai một tay mở quán trà sữa doanh thu 2 triệu đồng/ngày
03:32, 25/05/2021
Bài học kinh doanh từ 'cú ngã ngựa' của trà sữa Ten Ren
07:38, 29/07/2019
“Cuộc chiến ngọt ngào” và sự rút lui của một thương hiệu trà sữa
10:45, 16/07/2019
Trà sữa, nước mía... là nguyên nhân tăng cân nặng
09:49, 04/07/2019
Kinh doanh trà sữa có phải bước đi khôn ngoan của Kido Foods?
14:00, 02/07/2019