Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017.
Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. (Năm 2011 tăng 5,92%; năm 2012 tăng 4,93%; năm 2013 tăng 4,90%; năm 2014 tăng 5,22%; năm 2015 tăng 6,32%; năm 2016 tăng 5,65%; năm 2017 tăng 5,83%; năm 2018 tăng 7,08%).
GDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm trước nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
“Điểm sáng" của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm.
Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,67%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Có thể bạn quan tâm
11:23, 29/06/2018
11:03, 28/06/2018
09:16, 25/05/2018
16:04, 06/04/2018
10:08, 03/04/2018
18:37, 02/04/2018
Nhìn nhận về vấn đề này, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, việc chỉ số GDP tăng 7,08% trong 6 tháng đầu năm là rất khả quan. Có lẽ với chỉ số như thế này, việc chúng ta đạt được chỉ số 6,8% không phải là điều khó khăn.
“Tôi cho rằng, việc đạt được chỉ số GDP tăng trưởng theo số học là tốt nhưng không đủ. Nó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là chất lượng của tăng trưởng”. – ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, GDP tăng trưởng cao như vậy nhưng vẫn thuộc về lĩnh vực FDI. Đây là lĩnh vực xuất khẩu rất nhiều nhưng không đóng góp cho nền kinh tế, thành ra về mặt số học thì đó là điều đáng hoan nghênh.
"Tuy nhiên, về bản chất có lẽ mình còn thiếu xót nhiều cho nên vui nhưng không nên vội mừng". - ông Hiếu nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, sự tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 đang bị lo ngại từ các xu hướng bất ổn đang xuất hiện, nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính thế giới chu kỳ 10 năm (khủng hoảng tiền tệ Đông Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008).
Mặc dù việc điều hành và năng lực của Chính phủ đã tốt hơn với những kinh nghiệm về khủng hoảng trước đó, tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Tác động tài chính của cuộc chiến này mới là câu chuyện thiết thực nhất.
Tính đến nửa đầu tháng 6/2018, chứng khoán toàn cầu bay mất 2.100 tỷ USD, riêng thị trường chứng khoán châu Á mất 1.600 tỷ USD, thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 746 tỷ USD. Cần nhìn nhận cuộc chiến này nghiêm túc khi họ “đánh chỗ này nhưng đau ở chỗ kia”, giống như “bóp huyệt ở chân nhưng đau ở óc”, cần chú trọng đến tỷ giá, nợ công.
Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao trong khi nhiều nước đang đóng lại nên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng dù Trung Quốc mới là đối tượng của chiến tranh thương mại. Với cách hành xử bất thường của Tổng thống Donald Trump sẽ làm xu hướng quan hệ các bên “nóng” lên không phải trung hòa.
Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc. Khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng hóa từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng giảm. Tăng trưởng kinh tế toàn khu vực có thể giảm xuống 4,9%.
Do đó, dự báo của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, GDP bình quân trong giai đoạn 2018 - 2020 có thể ở mức 6,85%. Chính phủ đang cố gắng ổn định và cải cách, gây áp lực để giảm chi phí, giảm thủ tục cho khu vực tư nhân phát triển...