Ô tô - Xe máy

Thấy gì từ chiến lược kích cầu của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Việt?

Thanh Trà 29/04/2025 12:27

Đẩy mạnh giảm giá, bảo hành dài, cho khách hàng “sống thử” với xe, các hãng xe Trung Quốc quyết liệt kích cầu nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Các cách tiếp cận độc đáo

Trong vài năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu xe Trung Quốc. Với những chiến lược marketing táo bạo như giảm giá mạnh, bảo hành dài hạn và tổ chức chương trình trải nghiệm xe miễn phí, các hãng xe này đang cố gắng định hình lại cách tiếp cận khách hàng và tạo dựng chỗ đứng tại một thị trường vốn đã quen thuộc với những thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

1_20230908085834 (2)
MG5 MT là một trong những chiếc xe Trung Quốc được giảm giá sâu trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)

Để nhanh chóng chiếm lĩnh tâm lý người tiêu dùng, giá bán cạnh tranh được xem là vũ khí đầu tiên được các hãng xe Trung Quốc triển khai. Điển hình như MG Việt Nam, thương hiệu được Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) trực tiếp phân phối từ giữa năm 2023, đã liên tục áp dụng chính sách giảm giá mạnh. Các mẫu xe như MG5 MT sau khi khuyến mãi có giá dưới 300 triệu đồng, rẻ hơn đáng kể so với các đối thủ cùng phân khúc. Ngoài MG, các thương hiệu như Haval, Omoda hay Jaecoo cũng đang sử dụng chiến lược "giá mềm" để thu hút khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với chi phí.

Không dừng lại ở chiến lược giá, các hãng xe Trung Quốc còn tích cực "chơi lớn" ở chính sách hậu mãi. Nếu như phần lớn các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ bảo hành xe trong khoảng 3–5 năm, thì Omoda và Jaecoo lại gây chú ý với cam kết bảo hành động cơ lên tới 10 năm và các bộ phận khác 7 năm hoặc 1.000.000 km. Đây là mức bảo hành rất hiếm thấy trên thị trường Việt Nam, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc xóa bỏ tâm lý e ngại về độ bền của xe Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chiến dịch "sống thử xe điện" của BYD được coi là một bước đi rất sáng tạo. Từ cuối tháng 4/2025, khách hàng có thể đăng ký mượn miễn phí các mẫu xe điện như Dolphin, Atto 3 và Seal trong thời gian từ 7 đến 30 ngày. Sau trải nghiệm, khách hàng còn được hưởng ưu đãi giảm giá lên đến 10% nếu quyết định mua xe. Đây là chiến lược chưa từng có tại thị trường ô tô Việt Nam, cho phép người dùng trực tiếp cảm nhận sản phẩm trong đời sống hàng ngày thay vì chỉ dựa vào các buổi lái thử ngắn hạn.

Liệu có bền vững?

Dễ thấy rằng các hãng xe Trung Quốc đang dốc toàn lực để "kích cầu" thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau những chương trình hấp dẫn ấy vẫn còn không ít băn khoăn về tính bền vững.

Thứ nhất, chiến lược giá rẻ, nếu kéo dài quá lâu, dễ khiến sản phẩm bị "đóng khung" ở phân khúc giá thấp, làm giảm giá trị thương hiệu. Người tiêu dùng có thể bị thu hút bởi mức giá ban đầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra nghi ngờ: tại sao xe lại rẻ như vậy, đây là hàng tồn kho, chất lượng, độ an toàn, khả năng vận hành lâu dài có thực sự đảm bảo?

Thứ hai, việc đưa ra chính sách bảo hành dài hạn nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cũng là "con dao hai lưỡi". Bảo hành dài chỉ thực sự có ý nghĩa nếu đi kèm dịch vụ hậu mãi tốt, nguồn phụ tùng dồi dào và hệ thống đại lý, xưởng dịch vụ rộng khắp. Trong khi đó, mạng lưới hậu mãi của nhiều hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam hiện vẫn còn khá hạn chế so với các thương hiệu lâu năm. Một cam kết bảo hành đẹp trên giấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu khách hàng gặp khó khăn khi cần sửa chữa, thay thế linh kiện.

image-58-2 (2)
Chương trình cho khách "mượn" xe 30 ngày của BYD tuy độc đáo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)

Cuối cùng, chương trình "sống thử" xe điện của BYD tuy rất sáng tạo, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu trải nghiệm thực tế không như kỳ vọng từ khả năng vận hành, tiêu hao năng lượng cho tới sự bất tiện trong việc sạc pin, khách hàng không những không mua xe mà còn có thể trở thành những người truyền miệng trải nghiệm tiêu cực.

Các hãng xe Trung Quốc đang chứng tỏ sự nhanh nhạy và linh hoạt trong cách tiếp cận người tiêu dùng Việt. Họ không ngại đổi mới, mạnh tay đầu tư vào chính sách kích cầu và sẵn sàng mạo hiểm với những chiến lược chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, để có thể đi đường dài và xây dựng được niềm tin bền vững, bài toán lớn nhất vẫn là chất lượng sản phẩm thực sự, dịch vụ hậu mãi tận tâm và sự cam kết đồng hành lâu dài với khách hàng, thay vì chỉ dừng lại ở những chiêu thức "bề nổi" ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ chiến lược kích cầu của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO