Thấy gì từ con số “gần 16 nghìn doanh nghiệp thành lập mới”?

BẢO LAM 05/05/2023 03:00

Sau tháng 3 giảm nhẹ, doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2023 đã bật tăng khi doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh doanh quay trở lại.

>>Gánh nặng chi phí từ thuế tạo vướng mắc cho doanh nghiệp điện tử

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2023, cả nước có gần 16 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 154,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 119,1 nghìn lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,2% về vốn đăng ký và tăng 28,5% về số lao động so với tháng 3/2023.

So với cùng kỳ năm trước, tăng 6,4% về số doanh nghiệp, giảm 5,7% về số vốn đăng ký và tăng 13,7% về số lao động.

dđ

Cơ hội kinh doanh đã trở lại với các doanh nghiệp.

Như vậy, sau tháng 3 giảm nhẹ, doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2023 đã bật tăng khi doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh doanh quay trở lại. Điều này thể hiện rõ ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng với 9.610 doanh nghiệp, tăng 52,9% so với tháng trước và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 331,4 nghìn lao động, tăng 0,6% về số doanh nghiệp, giảm 26,8% về vốn đăng ký và giảm 4,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 604,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17.174 doanh nghiệp tăng vốn trong 4 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2023 là 1.069,6 nghìn tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 29 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 78,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động…

>>Cần sớm khắc phục tình trạng điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp

>>"Trợ lực" cho mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp

>>Thủ tướng “thúc” giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp nông nghiệp

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng, chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, dần chiếm lĩnh thị trường và phát triển trở lại. Có thể thấy, các nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp là khá phù hợp, mức độ điều tiết từ thuế của Việt Nam so với các nước phát triển là tương đối thấp. Đặc biệt, việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Xuân Trường, chính sách chi ngân sách và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, một mặt tạo tiền đề phát triển kết cấu hạ tầng sớm cho nền kinh tế, mặt khác giữ vai trò quan trọng là “vốn mồi” thúc đẩy các DN phục hồi và phát triển.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường là thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Bà Hương nhận định, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Các chính sách được ban hành kịp thời. Ví dụ: Chính sách giảm thuế GTGT 2% để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội trong năm vừa rồi. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43 vào ngày 11/1/2022 thì chính sách được ban hành đầu tiên là giảm thuế GTGT, có hiệu lực ngay từ 1/2/2022, chỉ sau khi Quốc hội họp có hơn 2 tuần.

Vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn, các chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính được doanh nghiệp nhận biết rộng rãi và triển khai rộng khắp. Điều tra doanh nghiệp diện rộng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 63 tỉnh, thành phố trong 2 năm (2021 và 2022) đều cho thấy rằng, các chính sách giảm, giãn, hoãn thuế phí được các doanh nghiệp nhận biết nhiều nhất, được hưởng lợi nhiều nhất và đánh giá cao nhất.

Ở góc độ cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Bà Thảo cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp như: Tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Có thể thấy, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, đơn đặt hàng sụt giảm, lãi suất vốn vay cao…, để đẩy nhanh việc thực hiện thi công các dự án, công trình nhằm tạo đà và nâng cao năng lực sản xuất cho toàn bộ nền kinh tế trong năm và những năm tiếp theo, ngay từ các tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công của các Bộ, ngành và địa phương. Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tập trung khơi thông các điểm nghẽn, hỗ trợ các nhà đầu tư và nhà thầu thi công trong thực hiện các dự án, công trình. Một số Bộ, ngành và địa phương đã thành lập các Tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu các giải pháp có tính khả thi thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Các chủ đầu tư, các đơn vị thi công cũng tập trung triển khai thi công nghiêm túc, khẩn trương nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, công trình. Để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, nhiều nhà thầu thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện triển khai các hạng mục, phấn đấu đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn có tác động sâu rộng, lan tỏa đến mọi hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng như kết nối liên tỉnh, liên vùng như các tuyến đường giao thông huyết mạch, các công trình thủy lợi, các dự án về năng lượng… đã góp phần làm tăng thêm năng lực phục vụ cho nền kinh tế, giúp các đơn vị sản xuất giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình phục vụ cho hoạt động logistic, vận tải, viễn thông, du lịch… do các doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế đang triển khai thực hiện khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ làm tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đồng thời góp phần củng cố cơ sở hạ tầng của đất nước giúp cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

    13:09, 04/05/2023

  • Doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng gì trong hành trình bảo vệ khách hàng?

    12:00, 04/05/2023

  • Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An “lệnh” tập trung gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp

    10:29, 04/05/2023

  • Gánh nặng chi phí từ thuế tạo vướng mắc cho doanh nghiệp điện tử

    04:00, 04/05/2023

  • Cần sớm khắc phục tình trạng điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp

    04:00, 04/05/2023

  • Sức ép truy xuất nguồn gốc nguyên liệu với doanh nghiệp dệt may

    04:00, 04/05/2023

  • "Trợ lực" cho mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp

    03:30, 04/05/2023

  • Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

    01:11, 04/05/2023

  • Doanh nghiệp “nóng ruột” với chính sách hỗ trợ tàu container qua cảng biển Nghệ An

    12:24, 03/05/2023

  • Thủ tướng “thúc” giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp nông nghiệp

    11:00, 03/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ con số “gần 16 nghìn doanh nghiệp thành lập mới”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO