Nếu nhìn sâu vào bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam, nhìn vào từng chỉ số sẽ cho thấy nhiều tín hiệu khác của nền kinh tế.
Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,24 tỉ USD, tăng khoảng 1,8% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,16 tỉ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất siêu hơn 10 tỉ USD, cao hơn 3 lần so cùng kỳ năm ngoái; cùng kỳ 15/8/2019 Việt Nam xuất siêu 2,93 tỉ USD.
Điểm đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp có dấu hiệu khởi sắc thời gian gần đây. Theo đó, sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu 24,87 tỷ USD trong tháng 7 vừa qua và là tháng có trị giá xuất khẩu cao thứ hai từ trước đến nay (chỉ đứng sau trị giá xuất khẩu của tháng 8/2019), kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8 vẫn duy trì tín hiệu tích cực.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, việc có được con số này được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam, nhìn vào từng chỉ số sẽ cho thấy nhiều tín hiệu khác của nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, thành tích xuất siêu là một điểm cộng. Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu có tác động kích thích sản xuất trong nước.
Việc tăng này được nhận định là do Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nhìn vào con số xuất siêu hơn 10 tỉ USD, thực tế đây không phải là do tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh mà là do kim ngạch nhập khẩu giảm. Không những vậy, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu từ ngày 1 - 15/8 đạt 12,68 tỉ USD, tức giảm 9% (tương ứng giảm 1,25 tỉ USD về số tuyệt đối) so với nửa cuối tháng 7/2020.
Trong tổng thể bức tranh nhiều màu sắc của xuất nhập khẩu Việt Nam, có mảng màu không mấy tích cực từ kim ngạch nhập khẩu. Theo đó, tỉ lệ nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa là đầu vào của các ngành sản xuất đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Theo đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa giảm chủ yếu do mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 108 triệu USD, tương ứng giảm 6,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 83 triệu USD, tương ứng giảm 2,8%; vải các loại giảm 76 triệu USD, tương ứng giảm 14,6%...
Theo các chuyên gia, đầu vào những hàng hóa này giảm mạnh cho thấy những tín hiệu "đáng lo ngại" khi mà "động lực" sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn. Nguyên nhân của sự sụt giảm được cho là, do các nguồn nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều bị tác động bởi dịch COVID-19, làm gãy chuỗi cung ứng. Thứ hai, hiện nay các thị trường xuất khẩu đều chưa có tín hiệu tích cực trở lại, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Xuất siêu chỉ có ý nghĩa thực sự khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu tăng đều, nhưng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, vẫn cho là nên lạc quan hơn là bi quan khi nhìn con số này. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong 7 tháng của năm giảm gần 5% trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%. Về nhập khẩu, 7 tháng, khối doanh nghiệp FDI cũng giảm nhập gần 11% trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ giảm 3%.
Đây là niềm tin để chúng ta có thể nỗ lực tăng xuất khẩu, thu hẹp khoảng cách kim ngạch xuất khẩu giữa doanh nghiệp nội địa và FDI ngày càng ngắn hơn.
Có thể bạn quan tâm
Kịch bản tăng trưởng kinh tế: Tác động của xuất siêu
11:00, 02/07/2020
Việt Nam xuất siêu tăng đột biến trong nửa đầu năm
11:30, 29/06/2020
Tiếp tục xuất siêu trong nửa đầu tháng 6: Mừng hay lo?
05:00, 24/06/2020
Không thể lạc quan “tếu” với con số xuất siêu gần 2 tỷ USD
12:04, 01/06/2020
Xuất siêu 2 tháng đầu năm và những thách thức còn ở phía trước
11:02, 12/03/2020