Sự đổ vỡ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đang làm dấy lên lo ngại về sự chao đảo của hệ thống tài chính ngân hàng trong bối cảnh lãi suất của Mỹ vẫn đang trong lộ trình leo thang.
>>Chủ động kịch bản ứng phó với đà tăng lãi suất của Fed
Thông tin ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank) dừng hoạt động đã khiến thị trường tài chính Mỹ cuối tuần chao đảo. Các chỉ số chứng khoán đều tuột dốc với Dow Jones đóng cửa mất 1,07%; Nasdad mất 1,76%; S&P 500 mất 1,04%; Russell 2000 mất 2,95% và ngay cả chỉ số đo lường hiệu suất ngành công nghiệp dầu mỏ cũng rung chuyển khi Amex Oil Index mất 1,25% còn DXY cũng giảm 0,64%.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và các định chế tài chính cũng đỏ lửa đồng loạt cho thấy lo ngại của giới đầu tư đối với nhóm cổ phiếu nhạy cảm này.
Theo Reuters, sự sụt giảm cổ phiếu của SVB, bắt đầu vào thứ Năm, đã lan sang các ngân hàng khác của Hoa Kỳ và Châu Âu. Reuters tính toán các ngân hàng Hoa Kỳ đã mất hơn 100 tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán và các ngân hàng Châu Âu đã mất thêm giá trị khoảng 50 tỷ đô la trong hai ngày qua.
SBV là ngân hàng lớn thứ 16 của hệ thống tài chính Mỹ. Sự sụp đổ của SVB trở thành sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008.
Các nhà quản lý Hoa Kỳ đã có phản ứng tức thời với vụ việc. Ngay sau khi SVB bán mình bất thành, họ đã tiếp quản công ty mẹ SVB Financial Group trước đó vào thứ Sáu. Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý và đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.
Sự sụp đổ của ngân hàng có tổng tài sản 209 tỷ USD được giới chuyên môn quốc tế đánh giá từ nguyên do; trong đó có những nguyên do khách quan như:
Chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay thắt chặt lãi suất để từ đầu 2022 nhằm chống lạm phát khiến đồng bạc xanh đắt lên và làn sóng đầu tư mạo hiểm gần như bị lặng tắt. Không chỉ nhà đầu tư đắn đo về các thương vụ đầu tư mạo hiểm, các công ty start-up trong lĩnh vực công nghệ cũng hứng chịu giá tiền đắt lên và bằng chứng là hàng loạt công ty công nghệ sau thời gian thăng hoa trong dịch COVID-19 vì dòng tiền khổng lồ mạo hiểm, nay đã co hẹp, sa thải nhân viên. Tệp khách hàng chính của Silicon Valley Bank bị rủi ro khi ngân hàng chọn đây là đối tượng phục vụ chính.
Như mọi vòng quay thường thấy, khi việc huy động vốn đầu tư trở lên khó khăn hơn, một số khách hàng của ngân hàng (ở đây là Silicon Valley Bank) đã bắt đầu rút tiền để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của họ. Điều này được đẩy lên đến đỉnh điểm khi ngân hàng này phải tìm mọi cách trong tuần vừa qua để đáp ứng các khoản rút tiền của khách hàng.
>>Cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn dài
Bên cạnh đó, Silicon Valley Bank được cho rơi vào khó khăn không thể cứu vãn do danh mục trái phiếu bị lỗ và giá trị tài sản cổ phiếu sụt giảm thê thảm. Theo thống kê, danh mục trái phiếu của SVB chủ yếu là kho bạc Mỹ, có lợi suất trung bình thấp chỉ chưa bằng phân nửa so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm của hiện tại. Theo đó, trên danh mục 21 tỷ USD, SVB phải ghi lỗ kế toán 1,8 tỷ USD và cần phải bù đắp bằng tăng vốn. Tuy nhiên nỗ lực huy động vốn của SVB đã bất thành. Cổ phiếu của SVB đã nhanh chóng lao dốc sau đợt huy động vốn không như mong đợi, giảm tới 60% trong phiên giao dịch ngày 9/3. Sang đến phiên trước giờ giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu này tiếp tục giảm mạnh và bị tạm dừng giao dịch.
Thông báo đóng của SVB gây chấn động lớn vì đối với giới chuyên môn và các nhà đầu tư. Nhiều người xem đây là một lời cảnh báo dành cho hệ thống tài chính ngân hàng sau một chu kỳ tiền dễ - nới lỏng, suy thoái đến thời kỳ thắt chặt và chống chọi với lạm phát. Bối cảnh khác, nguyên do khác nhưng các tín hiệu thì lại có phần khá tương tự như một chu kỳ lặp lại của đợt suy thoái từ khủng hoảng cho vay dưới chuẩn của 2008, và nước Mỹ đã phải mất 10 năm ứng phó khủng hoảng mới lấy lại cân bằng.
Địa chấn có lan ra?
Có nhiều yếu tố để khiến giới đầu tư quan ngại tác động từ “địa chấn” sụp đổ này sẽ tiếp tục tạo độ rung và lan rộng.
Thứ nhất, trên bình diện của nhiều nền kinh tế, đó là câu chuyện của áp lực nắm giữ trái phiếu trong bối cảnh lãi suất đắt lên, rủi ro cao hơn và danh mục quá khứ không đủ bù đắp lợi suất lẫn đảm bảo rủi ro như cần có.
Thứ hai, với mối quan hệ của SVB, được cho có kết nối khoảng 50% các công ty được hậu thuẫn bởi vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ, dòng vốn đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Điều đáng nói là theo một thống kê, FDIC chỉ bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 250.000 USD ở SVB. Trong khi đó, 93% số tiền gửi tính đến ngày 31/12/2022 không thuộc diện được bảo hiểm. Nếu đây thực sự là một số liệu không thể bác bỏ và các nhà quản lý không có phương án xử lý tương thích, giới chuyên môn xem đây là “quả bom hẹn giờ” không chỉ có nguy cơ đẩy các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ gửi tiền tại SVB vào đứt gãy dòng tiền, mất khả năng thanh toán, còn hệ lụy tới an sinh xã hội và nỗ lực vừa giảm tỷ lệ thất nghiệp, vừa tránh suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Thứ ba, một số các ngân hàng đã bắt đầu lên kịch bản “phản ứng nhanh” với tác động của SVB, như Ngân hàng thanh toán bù trừ của Anh đã chỉ định ngân hàng đầu tư Perella Weinberg Partners để tư vấn cho họ về mối quan tâm của họ đối với Silicon Valley Bank UK Limited (SVB UK), Reuters trích theo Sky News. Điều này cho thấy SVB sụp đổ mặc dù ban đầu được đánh giá có thể không mang tính hệ thống, nhưng tác động đánh giá sơ lược sẽ không thể đầy đủ.
Điều duy nhất mà giới đầu tư quan tâm lúc này, là khả năng từ đổ vỡ của SVB, Fed sẽ có cân nhắc nhất định đối với quyết định tăng lãi suất mạnh tay (tỷ lệ cược cho mức tăng lãi suất giữa tháng 3 đã nghiêng về 50 điểm cơ bản, thậm chí là 75 điểm, thay cho mốc 25 điểm cơ bản như kỳ vọng trước đây).
Những tác động của vụ sụp đổ SVB thực sự ở mức độ nào, có lẽ phải xem phản ứng và giá trị hiệu quả từ các công cụ mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng; cũng như trạng thái tâm lý của các nhà đầu tư trong đầu tuần tới.
Hy vọng quả bom hẹn giờ này sẽ thực sự được tháo ngòi nổ sớm.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: WB và IMF viện trợ cho Ukraine, trừng phạt Nga
04:30, 08/04/2022
Bộ Tài chính Mỹ rà soát, tái kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ
16:50, 04/12/2021
Bộ trưởng Tài chính Mỹ ủng hộ việc tái bổ nhiệm Powell làm Chủ tịch Fed
11:00, 22/08/2021
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đánh giá thấp Bitcoin, tiền ảo lập tức lao dốc
10:16, 24/02/2021