Sức ép lạm phát kéo theo sức ép tỷ giá lớn trong biến động của kinh tế toàn cầu, với đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi chính sách lãi suất của FED dẫn đến nỗi lo lạm phát nhập khẩu, là có thật…
>>> Fed tăng lãi suất "giật mình", Phó Thống đốc NHNN nói gì về lạm phát và tỷ giá?
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực điều hành để điều hành tỷ giá ổn định, đảm bảo thanh khoản thị trường tiếp tục thông suốt, đáp ứng đầy đủ cầu ngoại tệ hợp pháp.
Tuy vậy, khi lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, chính sách “tiền dễ” bị thắt chặt lại ở các nền kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách “diều hâu” cứng rắn, với quyết định tăng lãi suất mạnh tới 0,75% - mức lãi suất tăng thêm cao nhất trong vòng 28 năm qua, vẫn đang tiếp sức cho đồng USD tăng mạnh. Điều này dẫn đến yếu tố "lạm phát nhập khẩu" sẽ trở nên đáng kể với các quốc gia có đồng tiền neo vào đồng bạc xanh và nền kinh tế có độ mở rộng, phụ thuộc nguồn cung nguyên nhiên liệu hàng hóa nhập khẩu.
Ngay sau ngày tăng lãi suất của Fed, nhiều NHTW đã đồng loạt tăng lãi suất và hàng loạt đồng tiền tiếp tục mất giá. CTCK Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn số liệu cho thấy chỉ số đồng USD (DXY) từ đầu năm đến nay đã tăng 9,2%, chỉ số DXY theo tính toán của Bloomberg cũng tăng ở mức xấp xỉ 8,0% (NHNN thống kê trrong khoảng 9-10% so với cùng kỳ 2021). Điều này kéo theo sự mất giá của rất nhiều đồng tiền trên thế giới, cụ thể, đồng tiền ở các nước phát triển như Nhật Bản (JPY), Anh (GBP) và khu vực EU (EUR) đều mất giá lần lượt là 16,8%, 11,5% và 8,5% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng NDT của Trung Quốc mất giá khoảng 6,3%, đồng INR của Ấn Độ mất giá khoảng 5,0%, đồng tiền của các nước trong khu vực ASEAN đều có mức mất giá thấp nhất là 2,9% (đồng Rupiah Indonesia) đến cao nhất là 6,0% (đồng Ringgit Malaysia).
Dữ liệu VDSC cũng ghi nhận tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank đã tăng xấp xỉ 2,0%. Tỷ giá bình quân các NHTM theo thống kê của Bloomberg tăng khoảng 1,7%, riêng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, tiền đồng mất giá khoảng 1,0% trên thị trường chính thức. So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, tiền đồng mất giá khoảng 2,5%. Xét về con số tuyệt đối, giá USD tự do có lúc chạm ngưỡng 24.000 đồng ở chiều bán ra, tuy nhiên, xét theo tỷ lệ % thay đổi thì mức mất giá của tiền đồng trên thị trường tự do cũng vào khoảng 1,6% (mức thấp hơn ghi nhận của NHNN).
VDSC cho rằng tiền đồng đứng trước áp lực mất giá chủ yếu do ảnh hưởng từ 1) sự thay đổi trong triển vọng nâng lãi suất của Fed; 2) sự tăng giá mạnh của đồng DXY gắn với áp lực mất giá của đồng NDT; và 3) cán cân thương mại cùng với cung/cầu USD trong nước không thuận lợi.
Dù vậy, trong bức tranh lớn hơn, tiền đồng theo đó vẫn được đánh giá ít biến động hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài động thái nâng giá bán USD thêm 200 đồng lên 23.250 đồng vào ngày 12/5, thì số liệu không chính thức cho thấy NHNN đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung/cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay. Đây cũng là thông tin đã được CTCK SSI đề cập và cho rằng đây là hoạt động điều tiết khi thị trường có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung.
>>> Tỷ giá sẽ còn tăng
"Số liệu bán ròng USD của NHNN nếu so với quy mô tăng thêm khoảng 13,0 tỷ USD trong năm 2021 hay so với quy mô bán ròng tỷ giá biến động mạnh vào năm 2015 ở một bối cảnh kinh tế vĩ mô khác cũng đều là rất đáng kể. Áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, dù vậy, chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng tiền đồng sẽ không bị mất giá quá mạnh như các đồng tiền khác dựa trên một số cơ sở: 1) đồng USD đang neo ở mức cao kỷ lục, chúng tôi kỳ vọng về lộ trình tăng lãi suất của Fed đã phản ánh phần nhiều vào đợt tăng từ đầu năm đến nay, chỉ số USD sẽ khó giảm mạnh nhưng cũng khó tăng cao hơn từ vùng hiện tại; 2) áp lực mất giá của đồng NDT sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022; và 3) định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt tiếp tục được khẳng định trong cuộc họp mới nhất của NHNN, đồng thời NHNN cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng ứng phó với áp lực lớn hơn nữa từ những biến động bên ngoài trong thời gian tới", Bộ phận phân tích VDSC nhận định.
Đề cập đến thông tin bán hàng tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho rằng cần phải nhìn nhận việc NHNN bán ra ngoại tệ là một hoạt động điều hành hết sức bình thường. Quan trọng là trạng thái ngoại tệ ổn định, nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trên thị trường được đáp ứng, và NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt điều tiết để đảm bảo cung - cầu theo hướng đã thực hiện nhiều năm qua, khi thị trường có lượng dư thừa ngoại tệ thì lại mua vào.
“Trên nền tảng đó, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, phù hợp tình hình thị trường. Hiện NHNN đã sử dụng phương pháp điều hành tỷ giá trung tâm, theo nguyên tắc thị trường là cân đối ngoại tệ đảm bảo trong tầm kiểm soát của Nhà nước”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.
Được biết, tại cuối 2021, dự trữ ngoại hối Việt Nam theo ADB tính toán đạt hơn 110 tỷ USD. NHNN cho biết đến hiện tại dự trữ ngoại hối đang duy trì 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu. Lượng kiều hối về Việt Nam với 3,2 tỷ USD tính đến cuối quý I/2022, tương đương bằng cùng kỳ năm trước. Với kỳ vọng các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ được đảm bảo trong kiểm soát, tỷ giá được NHNN dự báo sẽ biến động nhẹ và NHNN hoàn toàn có dư địa chính sách tiền tệ để điều hành theo mục tiêu.
Mức "biến động nhẹ", theo VDSC kỳ vọng, là sẽ chỉ mất giá khoảng 2,0-2,5% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm % so với kỳ vọng vào đầu năm. Kỳ vọng này gắn với các điều kiện, "biến số đầu vào" gồm: Trong ngắn hạn, chỉ số USD-Index tiếp tục neo ở mức cao, trừ phi suy thoái kinh tế xuất hiện; Áp lực mất giá của đồng NDT sẽ giảm bớt và, trong những "làn gió ngược" có thể đảo chiều cán cân thanh toán thương mại, như NHNN khẳng định, họ còn dư địa, khả năng can thiệp để cân bằng lại khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm