Bằng việc liên tiếp ra mắt ô tô, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart, Vingroup đang cho thấy rõ khát vọng, tầm nhìn lớn mình.
Cuối tháng 8, khi Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp, đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới, dư luận đặt ra không ít hoài nghi. Tuy nhiên, bằng việc liên tiếp ra mắt ô tô, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart, Vingroup đang cho thấy rõ quyết tâm và hướng đi bài bản, nghiêm túc của mình.
Sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn
Chuỗi sự kiện ghi dấu thương hiệu Vingroup trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp bắt đầu vào tháng 10, khi tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam giới thiệu 2 mẫu xe hơi đầu tiên tại triển lãm Paris Motor Show danh tiếng. Tháng 11, họ ra mắt và công bố mở bán cùng lúc các dòng xe sedan VinFast Lux A2.0, SUV VinFast Lux SA2.0, ô tô cỡ nhỏ VinFast Fadil và xe máy điện thông minh Klara. Sự kiện gây ấn tượng mạnh và góp phần củng cố niềm tin cho người tiêu dùng vào trí tuệ và lòng quyết tâm của người Việt.
Chưa dừng ở đó, đầu tháng 12, Tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tuyên bố sẽ ra mắt 4 mẫu điện thoại thông minh Vsmart. Thông tin, hình ảnh về chuyến thăm của giới truyền thông tới nhà máy sản xuất Vsmart thêm một lần nữa chinh phục niềm tin của những người còn hoài nghi, đồng thời cho thấy sự đầu tư bài bản và nghiêm túc của Vingroup cho hướng đi mới của mình.
Sau 16 năm phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với ngành thương mại dịch vụ, Vingroup đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước. Năm 2017, họ đã lên vị trí số 1 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng được Vietnam Report công bố, với tổng tài sản tại thời điểm đó đạt gần 205 ngàn tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
13:44, 06/12/2018
07:41, 03/12/2018
16:39, 05/12/2018
11:33, 21/11/2018
Cùng thời điểm đó, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poors thông báo nâng xếp hạng tín dụng dài hạn đối với Tập đoàn Vingroup từ mức “B-” lên “B+”, mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất từ trước đến nay trong ngành bất động sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giữa lúc mọi thứ đang đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển hết sức an toàn, bền vững, Vingroup bất ngờ công bố chiến lược chuyển hướng đầu tư trọng điểm vào Công nghệ và Công nghiệp - một động thái được đánh giá là mạo hiểm và ẩn chứa nhiều rủi ro. Gần như ngay lập tức, doanh nghiệp của tỉ phú Vượng bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ bậc triển vọng từ Ổn định xuống Tiêu cực, chỉ khoảng một tuần sau khi giới thiệu mẫu xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên tại Paris Motor Show.
Theo tổ chức này, việc hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm do Vingroup vay vốn để đầu tư cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Vingroup, theo đánh giá của Fitch, sẽ tăng lên 58% trong năm 2018, so với mức 45% năm 2017.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup thẳng thắn thừa nhận điều này đã nằm trong dự liệu của Tập đoàn. Để thực hiện bằng được tâm huyết xây dựng thương hiệu ôtô Việt, Vingroup sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình và bước ra khỏi vùng an toàn.
"Đầu tư vào lĩnh vực ôtô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này" - CEO Vingroup chia sẻ.
Câu chuyện lớn sau chiếc điện thoại nhỏ
Đầu tháng 12, Vingroup lại tiếp tục giới thiệu nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart với toàn bộ nhà xưởng được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610 (là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử). Dây chuyền sản xuất của nhà máy Vsmart được đánh giá vào loại hiện đại hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, dây chuyền tại khu vực sản xuất bảng mạch điện tử (SMT) là các thế hệ máy mới nhất của các hãng chuyên sản xuất máy SMT hàng đầu thế giới, như máy gắn chip của ASM Siplace (thương hiệu số 1 thế giới xuất xứ từ Đức); máy in kem hàn của hãng Speedline, lò hàn thiếc của Omnimax (đều là thương hiệu số 1 thế giới đến từ Mỹ); các máy kiểm tra quang học tự động từ hãng Kohyoung (Hàn Quốc, là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực này)…
Ngoài ra, dây chuyền được đầu tư nhiều máy phân tích chất lượng đều là thương hiệu hàng đầu thế giới như hệ thống cấp nguyên vật liệu đến từ Italia, máy mài và phân tích lớp bản mạch in, máy chụp cắt lớp Xray để kiểm tra chất lượng mối hàn…
Quy mô, tầm vóc của nhà máy cũng như khát vọng, tầm nhìn lớn của Vingroup đã ngay lập tức thuyết phục hoàn toàn giới truyền thông cũng như các chuyên gia uy tín trong ngành công nghệ. Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin - Truyền thông), ông không ngạc nhiên khi nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart là nơi quy tụ toàn bộ các loại máy móc “xịn” nhất thế giới, bởi Vingroup luôn nổi tiếng “đã làm là làm đến nơi đến chốn” vì thương hiệu Việt.
“Tôi cảm nhận được khát vọng của Vingroup trong việc sản xuất ra những sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên tại Việt Nam, có khả năng thương mại hóa. Sản phẩm này có thể là khởi đầu của hệ sinh thái các thiết bị điện tử thông minh của Vingroup với rất nhiều ứng dụng trong thời đại chuyển đổi số, xã hội số như hiện nay. Nếu làm được thì chính là điều rất đáng tự hào của đất nước chúng ta” - Tiến sĩ Mai Liêm Trực nói.
Tuy nhiên, để tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào cũng như quyết tâm xây dựng một thương hiệu Việt uy tín trong lĩnh vực công nghệ, Vingroup rất có thể phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm bởi các tổ chức tín dụng quốc tế. Mặc dù vậy, như CEO của Vingroup từng nói, họ đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ sự ổn định để vươn tới một cái đích mới đầy hoài bão.
“Chúng tôi kỳ vọng cùng với ô tô VinFast, điện thoại Vsmart sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam và đưa thương hiệu Việt ra thế giới” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Việt Quang cho biết. Có lẽ, đó mới là cái đích mà Vingroup muốn hướng đến.