Thể chế vững, doanh nghiệp mạnh

NGUYỄN VĂN ĐÁNG – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 12/02/2024 12:00

Thiết kế thể chế kinh tế cần đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm nhằm kiến tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Có như vậy, chúng ta mới có thể đón nhận những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trong tương lai.

>>Cải cách thể chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Xét xử 'đại án' kit test Việt Á.

Xét xử 'đại án' kit test Việt Á.

Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ các mục tiêu phát triển đất nước, đó là gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nhóm các quốc gia phát triển vào năm 2045. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa được các tầm nhìn nêu trên, thì giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ, đặc biệt là các điều kiện thể chế.

Nguồn lực thể chế

Thể chế được cho là một trong những nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp mà chúng ta cần khai thác. Nhiều quốc gia không giàu tài nguyên như Nhật Bản, Singapore nhưng đã phát triển bởi có một nền tảng thể chế tốt, các chính sách được thiết kế đáp ứng đúng nhu cầu, giúp doanh nghiệp phát triển. Thực tế này gợi ra rằng, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 thì chúng ta cũng phải tạo dựng một khung thể chế tốt.

Năm mới nói chuyện cũ, những ngày cuối năm Quý Mão, khai trước tòa án, ông chủ công ty Việt Á từng thừa nhận đã thông đồng với một số cán bộ của Học viện quân y để sản phẩm kit test có thể nhanh chóng được cấp phép. Bên cạnh tận dụng những lợi thế phi thị trường của một cơ quan Nhà nước, Việt Á cũng chấp nhận từ bỏ bản quyền với sản phẩm của mình để hướng đến tham vọng thống trị thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Một số câu hỏi cũng nảy sinh từ tình huống nêu trên: tại sao cùng thời điểm có nhiều công ty có thể sản xuất kit test nhưng Việt Á lại được chọn? nếu sản phẩm thực sự tốt và Việt Á có thể dễ dàng được cấp phép theo quy định pháp lý hiện hành thì liệu họ có chấp nhận đánh đổi như vậy?

Việt Á cũng sẽ không thể dễ dàng lọt vào vị trí hàng đầu trong danh sách các doanh nghiệp cung cấp kit test được Bộ Y tế giới thiệu cho các địa phương nếu các điều kiện thể chế kinh tế bảo đảm mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng như nhau. Nói cách khác, chính thể chế kinh tế còn yếu là nguyên nhân sâu xa đã tạo động lực và cơ hội cho ý đồ tìm kiếm lợi thế cạnh tranh không lành mạnh nhằm mưu lợi vị kỷ, ý chí chủ quan của một vài cá nhân có thể chi phối quá trình cấp phép và kinh doanh kit test.

>>Đòi hỏi cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn

Thể chế vững mạnh

Mới đây, Nghị quyết 41-NQ/TW xác định rõ yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Điểm mới đáng chú ý mà các doanh nghiệp hết sức hào hứng là “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng...”.

Ở bất kỳ quốc gia nào, chúng ta đều có thể nhận diện khung khổ thể chế kinh tế với ba cấu phần căn bản: các tổ chức, điển hình là các doanh nghiệp, với chức năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ; cấu trúc định hình hoạt động của một nền kinh tế như: hệ thống ngân hàng, hệ thống dự trữ quốc gia, hệ thống thị trường, hệ thống quyền sở hữu tài sản; tập hợp các quy tắc quy định hành vi kinh tế của cá nhân cũng như tổ chức, cả thành văn (pháp luật) và bất thành văn (phong tục, tập quán, thông lệ).

Chức năng chính yếu của khung khổ thể chế kinh tế là định hình và điều chỉnh hành vi của cá nhân, hoạt động của doanh nghiệp, qua đó tạo ra những điều kiện có thể dự báo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, khi khung khổ thể chế vững mạnh thì ý đồ bất chấp các quy tắc kinh tế để vụ lợi sẽ rất khó thực hiện. Ngược lại, khi các hành vi lệch chuẩn nhằm vụ lợi dễ dàng diễn ra chính là bằng chứng cho thấy sự yếu kém của nền tảng thể chế kinh tế.

Bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cũng là điều kiện then chốt để có thể thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của mỗi doanh nghiệp. Một khung khổ thể chế vững mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh, thay vì sử dụng các mánh lới để tìm kiếm các cơ hội dựa dẫm vào các yếu tố quyền lực phi thị trường.

Khung khổ thể chế vững mạnh cũng kiểm soát chặt chẽ mọi khả năng can thiệp tùy tiện của cơ quan Nhà nước vào hoạt động kinh tế. Ý chí của của các chủ thể quyền lực Nhà nước sẽ khó có thể ưu ái doanh nghiệp để thông đồng vụ lợi như trong vụ kit test Việt Á. Nhờ đó, năng lực của doanh nghiệp được bảo vệ và nuôi dưỡng, và nền kinh tế mới có thể phát triển lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ vướng thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp

    04:50, 17/01/2024

  • Cải cách thể chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

    08:43, 08/01/2024

  • Dấu ấn trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật năm 2023

    04:50, 31/12/2023

  • Nghị quyết cơ chế đặc thù công trình giao thông đường bộ: “Thí nghiệm” cho cải cách thể chế

    04:00, 11/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thể chế vững, doanh nghiệp mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO