Nhiều tín hiệu tích cực trong việc tìm ra phương thức điều trị COVID-19 đã xuất hiện, mở ra triển vọng khống chế đại dịch trong tương lai gần.
Hai công ty của Mỹ là Merck Pharmaceuticals và đối tác Ridgeback Biotherapeutics mới đây thông báo một phần kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) đầy hứa hẹn của thuốc uống điều trị COVID-19 mang tên Molnupiravir.
Hiện Dữ liệu thử nghiệm đã được đệ trình lên Hội nghị vi sinh lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng châu Âu (ECCMID). Tuy nhiên, theo đánh giá, Molnupiravir đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch COVID-19 trong tương lai gần.
Có thể thấy, với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cùng sự xuất hiện của các biến chủng đáng lo ngại, các nước đang đẩy nhanh tiến trình sản xuất thuốc điều trị, bên cạnh các nghiên cứu cải tiến chất lượng vaccine và phương pháp điều trị thích hợp trong bối cảnh mới.
Hiện nay, Mỹ đang là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy nghiên cứu và bào chế thuốc điều trị COVID-19. Quốc gia này đã chi hơn 3 tỷ đô la cho việc phát triển thuốc viên để ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2, nâng cao khả năng cứu sống nhiều bệnh nhân.
Vào thời điểm bắt đầu đại dịch tại Mỹ, các nhà nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm thuốc kháng virus trên những người nhập viện vì nhiễm COVID-19 thể nặng. Nhưng nhiều thử nghiệm trong số đó không cho thấy bất kỳ kết quả triển vọng nào.
Lý giải điều này, theo Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) Francis S. Collins, nhiều người bệnh đã phát triển kháng thể chống lại virus và hồi phục, nhưng ở một số bệnh nhân khác, hệ thống miễn dịch hoạt động sai và bắt đầu phá hủy các tế bào. Chính điều này đã khiến nhiều người mắc COVID-19 phải nhập viện. Vì vậy, một loại thuốc ngăn chặn sự nhân lên của virus trong giai đoạn đầu rất có thể đã thất bại trong một thử nghiệm trên những bệnh nhân đã tiến triển đến giai đoạn sau của bệnh
Các nhà khoa học hiện cho biết, thời điểm tốt nhất để ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2 là trong những ngày đầu tiên của bệnh, khi virus đang nhân lên nhanh chóng và hệ thống miễn dịch chưa có biện pháp phòng thủ.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ kỳ vọng, Mỹ và nhiều quốc gia khác sẽ nhanh chóng tiến tới điểm các bệnh nhân có thể mua thuốc điều trị Covid-19 từ hiệu thuốc ngay khi họ có kết quả dương tính hoặc đã phát hiện một số các triệu chứng ban đầu.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cũng đang tiếp tục thử nghiệm các loại thuốc kháng virus khác dưới dạng thuốc viên, đặc biệt là những loại thuốc cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm tải áp lực lên hệ thống y tế công cộng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang khám phá các loại thuốc hiện có của họ với nỗ lực tìm kiếm bất cứ điều gì có thể hoạt động chống lại COVID-19. Một số loại thuốc hiện đang được khuyến cáo để điều trị bệnh nhân nhập viện với COVID-19 mức độ trung bình đến nặng, bao gồm thuốc kháng virus remdesivir, thuốc chống viêm baricitinib và corticosteroid, mặc dù hiệu quả của nó vẫn còn đang được tranh luận.
Trong một nghiên cứu đột phá, một nhóm các nhà khoa học, bao gồm Tiến sĩ Koichi Watashi, Kaho Shionoya, Masako Yamasaki, Tiến sĩ Hirofumi Ohashi, Tiến sĩ Shin Aoki, Tiến sĩ Kouji Kuramochi và Tiến sĩ Tomohiro Tanaka từ Đại học Khoa học Tokyo cùng với các nhà khoa học từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Đại học Kyushu, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Nhật Bản và Science Groove Incđã xác định một loại thuốc chống sốt rét tổng hợp mefloquine có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cần phải được tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để có dữ liệu cụ thể, Nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng mefloquine có thể trở thành một loại thuốc được sử dụng để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Tiến sĩ Joni Rutter, quyền giám đốc NCATS cho biết: “Để một loại thuốc mới được cấp phép và đưa ra thị trường thường mất rất nhiều năm. Mặc dù đã có nhiều cách thức cho phép các nhà khoa học đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng nhưng các quốc gia vẫn cần tuân thủ đẩy đủ các quy trình để đảm bảo tính an toàn của thuốc cũng như các dữ liệu cần có.”
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đại dịch vẫn là thách thức toàn cầu. Các quốc gia có khả năng tiếp cận vaccine tiên tiến và hệ thống y tế có nguồn lực tốt đang phải chịu áp lực mở cửa hoàn toàn. Trong khi đó, các quốc gia hạn chế tiếp cận vaccine đang trải qua những làn sóng lây nhiễm mới.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nhanh chóng nghiên cứu và điều chế thuốc điều trị COVID-19, WHO khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng, vệ sinh tay và cải thiện hệ thống thông gió cho các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây nhiễm. Đồng thời nhấn mạnh cần phải tiêm vaccine cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia vào tháng 9 cũng như tăng cường chia sẻ vaccine giữa nước giàu và nước nghèo.
Có thể bạn quan tâm