Liệu thế giới hậu COVID-19 có còn "phẳng" như cuốn sách của nhà báo 3 lần đoạt giải Pulitzer, Thomas Freidman?
Những năm đầu của thế kỷ 21, giới quan tâm tình hình quốc tế bàn tán râm ran về cuốn sách “Thế giới phẳng/ The World is Flat” của Biên tập viên ngoại giao tờ New York Time, nhà báo Thomas Freidman.
Ở một số trường đại học tại Việt Nam, nhiều giảng viên thức thời cũng bắt đầu nói về cuốn sách này cho sinh viên, khuyến khích sinh viên tìm đọc - như là tìm kiếm một lối đi cho bản thân trong thế kỷ này.
Chủ đề mà Freidman nhắc đến xuyên suốt trong cuốn sách là phân tích sự toàn cầu hóa trong thế kỷ 21. Tựa đề cuốn sách như là một biện pháp nghệ thuật ẩn dụ xem thế giới là một sân chơi bình đẳng về lĩnh vực kinh tế, thương mại, trong đó mọi đối thủ cạnh tranh đều có cơ hội ngang nhau.
Freidman đã đúng khi nói về toàn cầu hóa, nhưng có lẽ ông không đủ thời lượng để nói về những xu hướng ngược (rất quan trọng) tồn tại trong đó. Đó chính là đơn phương hóa, khu biệt hóa, vùng miền hóa, lãnh thổ hóa...
Ví dụ thì rất nhiều, nhưng điển hình nhất có lẽ là 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991, 2003) - khi đó Tổng thống Mỹ dưới thời Bush đã phớt lờ vai trò của LHQ để đưa quân can thiệp vào thế giới hồi giáo. Kết quả đã thấy rõ.
Một loạt các hành động quân sự để thực hiện cái gọi là “Mùa xuân Ả rập” đã đẩy rất nhiều quốc gia Trung Đông vào cảnh huynh đệ tương tàn, bất ổn xã hội, tụt hậu kinh tế. Là ai, nếu không phải là người Mỹ đơn phương? Cũng bằng cách “qua mặt” LHQ, Mỹ và Nato xua quân tấn công vào Syria hồi năm 2018.
Kể từ đó, người Mỹ đã tạo ra dư luận rằng, nước Mỹ không coi các tổ chức đa phương ra gì!
Đến lượt Trung Quốc, gây hấn trên Biển Đông, coi thường chủ quyền quốc gia của Việt Nam, vi phạm Luật biển quốc tế, công ước LHQ; Bắc Kinh rải hàng trăm tỷ USD cho các nước nghèo vày dưới tên gọi “Vành đai và Con đường”...kết cục, nhiều nước đổ nợ...
Bằng lợi thế vốn có, Trung Quốc trở thành “công xưởng toàn cầu” sản xuất cho cả thế giới với tiêu chí rẻ, bền, đẹp. Nhưng, sức sản xuất khủng khiếp của Trung Quốc đã, đang và còn phá hủy rất nhiều nền sản xuất nhỏ, kém cạnh tranh.
Công ty Trung Quốc vươn mình đi khắp nơi, trúng thầu nhiều dự án quan trọng, sáp nhập, mua bán nhiều mảng kinh doanh chiến lược, thâu tóm hầu hết chuỗi cung ứng, nắm nợ hàng trăm quốc gia.
Đến khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ bùng ra, tính mất cân đối, bất bình đẳng toàn cầu càng lộ rõ hơn. Tất cả cho thấy, một vài nước lớn đã nắm hết quyền định đoạt số phận nền kinh tế toàn cầu.
Phần còn lại của thế giới toát mồ hôi hột theo dõi động thái của Mỹ và Trung Quốc để tìm cách “né” làn đạn. Về phần Mỹ, họ đã thay đổi trật tự Châu Mỹ, tăng cường liên kết tại châu Á, còn Trung Quốc liên minh với Nga, dùng lá bài Triều Tiên mặc cả với đối thủ...
“Chúng ta sẽ phải rời đi nếu buộc phải làm như vậy. Chúng ta biết họ vắt kiệt chúng ta trong nhiều năm và điều đó sẽ không tiếp diễn nữa” - ông Trump nói như vậy về WTO vì lý do “bị đối xử bất công trong thương mại quốc tế”.
Tại LHQ, cơ quan có nhiệm vụ “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đạt được sự hợp tác quốc tế và là một trung tâm để hài hòa các hành động của các quốc gia...” đã bị Mỹ và Trung Quốc “chiếm đóng” làm cứ địa tấn công nhau.
APEC 26 tại Papua New Guinea, lần đầu tiên 21 nền kinh tế không ra được tuyên bố chung vì Mỹ - Trung bất đồng quan điểm thương mại. “Các anh biết đấy, có hai gã khổng lồ trong phòng. Tôi còn biết nói gì bây giờ?”- Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill nói với AFP như vậy!
Tại Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản suýt nữa không có tuyên bố chung cũng vì mâu thuẫn giữa Mỹ, Trung Quốc và vài quốc gia “có trọng lượng” trong hành động chống biến đổi khí hậu, sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương mại, cải cách WTO...
Đại dịch COVID-19 xảy ra, một lần nữa phơi bày ra tính phân mảnh, thiếu thống nhất của thế giới đương đại, đặc biệt là phương Tây. Rất khó hiểu vì sao nền khoa học thực nghiệm được xem là tân tiến ở Âu - Mỹ lại giơ tay “chịu trói” bởi virus corona!
Và một lần nữa, chúng ta lại thấy thế giới mất cân bằng như thế nào khi tất cả các nền kinh tế trông chờ vào đại công trường Trung Quốc!
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, Mỹ đã phát động cuộc chiến “mềm” nhằm vào Bắc Kinh, họ cáo buộc nước này có “liên quan mật thiết” để COVID-19 lây lan ra toàn cầu.
Kết quả đầu tiên là Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi WHO, không còn tài trợ kinh phí mỗi năm 500 triệu USD và không còn liên hệ gì với tổ chức này.
Những gì chúng ta thấy hiện nay là kết quả của 200 năm “toàn cầu hóa” (từ 1800 - 2000) từ chổ tay bắt mặt mừng vì Đông - Tây giao thoa, bây giờ bắt đầu “ăn thua đủ với nhau”. Điều ấy phản ánh đúng quy luật vận động của vũ trụ, mọi thứ đều trên đà sinh ra và trên đường mất đi, không có gì là mãi mãi.
Nếu như Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia đang tìm kiếm chuỗi cung ứng cho riêng mình thì cũng có nghĩa - mối quan hệ quốc tế đang thay đổi. Tính khu biệt giữa các quốc gia, châu lục sẽ lớn dần.
Bản chất dịch bệnh COVID-19 và cơ chế lây lan của nó cũng ngầm cho thấy: bang giao, cộng gộp, thâm nhập vào nhau theo cách hiện nay đã lỗi thời.
Ví như, để đàm phán với đối tác cách xa hàng ngàn km, người ta sẽ không còn đặt vé máy bay để đến tận nơi, thay vào đó là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, internet vạn vật...
WTO, WHO. LHQ, UNNESCO...sinh ra theo yêu cầu khách quan của trật tự thế giới cũ. Ngay lúc này, thế giới đang rục rịch thiết lập trật tự mới, các tổ chức đa phương càng quan trọng hơn, nhưng không phải tồn tại bằng cách cũ.
Có thể bạn quan tâm