Các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, nền tảng 4.0 đã được coi là phương tiện rất là tốt cho các Startup Việt khai thác và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển “thần tốc”, cơ chế chính sách và các đề án hỗ trợ từ trung ương đến các địa phương đã trở thành “bệ đỡ” cho sự phát triển.
Để có thể hiểu rõ hơn về thuận lợi, khó khăn và cơ hội từ cơ chế, thực tiễn của Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; Doanh nhân đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban điều hành Đề án 844.
- Thưa ông, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có tác động như thế đến tốc độ phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, nền tảng 4.0 đã được coi là phương tiện rất là tốt cho các Startup Việt khai thác và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Startup Việt đã và đang tiếp thu, làm chủ và phát triển được các mô hình kinh doanh mới, đây thực sự là trụ cột tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.
Xu hướng thế giới các công nghệ, mô hình kinh doanh đột phá đều thường xuất phát từ những bạn trẻ áp dụng công nghệ mới, đôi khi phá vỡ quan niệm và mô hình truyền thống. Chính vì thế, rất nhiều nước đã đầu tư cho lực lượng trẻ này.
Từ các mô hình kinh tế mới có thể nhân rộng giúp cho việc cải thiện cơ chế chính sách và môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực về môi trường thể chế nhờ cải tiến về chính sách.
- Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tư duy trong việc áp dụng công nghệ để điều hành, quản lý doanh nghiệp, các Startup Việt Nam cũng nhanh chóng đưa ra các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Ông có suy nghĩ gì về những thay đổi này?
Trong bối cảnh khủng hoảng của đại dịch, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ ứng dụng nền tảng 4.0 trực tuyến áp dụng nhiều lĩnh vực đặc biệt trong đào tạo, giáo dục, y tế, kinh doanh bất động sản, ăn uống… Ngay như trong điều hành doanh nghiệp, hoạt động giao thương cũng như trong bộ máy cơ quan nhà nước, Startup công nghệ đã cung cấp rất nhiều giải pháp tốt, rất kịp thời. Như phần mềm truy xuất nguồn gốc, truy xuất đối tượng nghi nhiễm vi rút cũng giúp cho công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh rất là tốt, đấy cũng đã thể hiện rằng chúng ta đã đi trước một bước và nhờ vậy Startup đổi mới sáng tạo Việt Nam đã rất kịp thời để thích ứng được đưa ra giải pháp mang tính đột phá.
Rất nhiều Startup Việt thành công, gọi được vốn đầu tư và xuất khẩu được rất nhiều giải pháp công nghệ trong đại dịch. Đây là một cơ hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ quan chính trị xã hội nghề nghiệp ứng dụng công nghệ mới, tổ chức ứng dụng công nghệ mới của các Startup đưa ra, đầu tư để có thể hoàn thiện biến thành công cụ kinh doanh mới sau khi dịch đã được kiểm soát.
- Startup đổi mới sáng tạo đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng khó khăn, rủi ro cũng không ít. Thưa ông, đâu là những hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành để các Startup có thêm động lực phát triển?
Khó khăn thì vô cùng nhiều, doanh nghiệp khó khăn một thì các Startup công nghệ còn khó khăn gấp mười. Cơ hội và thách thức gắn liền và tỉ lệ thuận với nhau. Rất nhiều các Startup công nghệ phải đối mặt với rủi ro như phá sản, sát nhập,…
Một số nước thường tung ra các gói hỗ trợ khẩn cấp cứu các doanh nghiệp công nghệ. Ở Việt Nam, cũng có gói giải pháp chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với Startup, đề án 844 cũng có những hỗ trợ giải quyết một số thách thức trong việc xin các giấy phép, thủ tục và tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ chuyên gia, kết nối mạng lưới.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tiếp này còn rất hạn chế do cơ chế tài chính của Việt Nam, ngân quỹ dành cho hoạt động còn rất hạn chế nên đề án 844 mới làm được việc khuyến khích, kết nối gián tiếp nhiều hơn là hỗ trợ trực tiếp về tài chính.
Đề án 844 được chia làm các giai đoạn khác nhau, mỗi một giai đoạn có những nhiệm vụ trọng tâm. Sau giai đoạn 1,các hoạt động huấn luyện nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức trong hoạt động sáng tạo cho huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cán bộ quản lý của các sở ngành, cán bộ làm truyền thông, các trường đại học, các trường nghề,…Sau một thời gian, chúng ta đều thấy kết quả khá rõ các trường đại học, các trường nghề, các địa phương đều quan tâm, có kế hoạch và dành nguồn lực thích đáng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong giai đoạn tới, chúng tôi đang đề xuất sửa đổi bổ sung thêm những cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn, ví dụ như hỗ trợ về chi phí cho nguồn nhân lực. Chi phí cho việc hỗ trợ tiếp cận thị trường, phát triển thị trường, tiếp cận các nguồn quỹ trong nước và nước ngoài, huy động quỹ gọi vốn cộng đồng. Đây là những giải pháp mà các nước đang triển khai, cũng như các ứng dụng công nghệ Việt Nam rất cần.
- Startup Việt đã tạo được những dấu ấn trong khu vực và toàn cầu, thưa ông?
Các giải thưởng toàn cầu, giải thưởng khu vực đã gọi tên các Startup Việt. Đây là những thành tựu rất đáng trân trọng và đáng khâm phục giới trẻ Việt Nam. Không chỉ các dự án đoạt giải thưởng mà các dự án khác đã kêu gọi được vốn đầu tư lên tới hàng triệu USD. Ngoài ra, có nhiều dự án gọi được vốn đầu tư và có tính lan tỏa, cả thế giới trân trọng và đánh giá cao về tiềm năng về nguồn trí tuệ trẻ nước ta.
Thế giới phẳng trong hệ sinh thái toàn cầu, các Startup phải hoàn thiện năng lực về công nghệ, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ để chào đón luồng di cư mới trong các lĩnh vực công nghệ có khả năng lan tỏa toàn cầu. Có những lĩnh vực chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt những cũng là cơ hội để ta có thể nhân rộng các mô hình đã thành công. Các quỹ đầu tư sẽ đến Việt Nam đầu tư nhưng cũng có thể mang rất nhiều trí tuệ Việt Nam đi. Vậy làm sao để có thể giữ được người tài và gọi được nhiều nguồn vốn đầu tư, có được một hệ sinh thái tốt trong nước là một bài toán dành cho tất cả các sở ban ngành, các trường đại học, địa phương, các tổ chức chính trị, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp lớn.
- Như ông nói thì làm thế nào để hạn chế chảy máu chất xám, giữ chân người tài đang là bài toán cần nhanh chóng có lời giải, thưa ông?
Việc đưa ra các chính sách mở rộng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra toàn cầu, kết nối với nguồn lực của người Việt ở nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc các Startup Việt ra nước ngoài và ngược lại. Vấn đề chảy máu chất xám sẽ khó tránh khỏi.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện các cơ chế chính sách dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp và các Startup cần phải được nhanh chóng hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hiện nay, trong các nước ASEAN, Singapore là một nước nhanh chóng đưa ra các chính sách thu hút chất xám từ các nước ASEAN. Điều này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Singapore và nước này luôn đứng ở thứ hạng cao mặc dù dân số rất ít. Theo đó, nước này đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút tri thức trẻ của nhiều nước khác sang Singapore để học tập, đào tạo, gọi vốn và phát triển. Bên cạnh đó các quốc gia như Úc, Anh, Canada đều có các chính sách như StartUp Visa dành riêng cho khởi nghiệp công nghệ. Những bạn trẻ có các để án tốt, đều được cấp visa riêng cho các khởi nghiệp công nghệ, được cấp rất nhiều những điều kiện ưu đãi trong học tập, sinh hoạt, trở thành cư dân của họ. Chính sách đấy rất cụ thể và đặc biệt gắn liền cùng các chương trình hỗ trợ.
Cho đến nay, Việt Nam cũng đã đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa có những chính sách đặc biệt riêng như thế. Những người Việt và những Startup giỏi người Việt ở nước ngoài về Việt Nam cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam ở Việt Nam 3 tháng, 6 tháng lại phải xin phép hoặc về nước. Người ta chưa thấy sự khuyến khích trong các thủ tục cấp phép. Những gì tôi nêu ra là những gì rất nhỏ và cụ thể, Việt Nam cần điều chỉnh và ban hành rất sớm.
Các Startup rất cần không gian thử nghiệm, làm việc riêng. Ở các nước, StartUp có những không gian làm việc miễn phí. Hiện này, Việt Nam vướng phải chính sách quản lý tài sản công, quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, rất nhiều chính sách ràng buộc khác nên chưa có chính sách đặc thù dành khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi rất mong các cơ chế chính sách nhanh chóng được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các bộ ban ngành, địa phương đều chung tay để đưa ra các hỗ trợ cụ thể để các StartUp có một môi trường thuận lợi để phát triển.
- Vậy xu hướng phát triển của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao, thưa ông?
Để nâng cao chất lượng Startup Việt cần phải tạo cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn trong vòng 5-10 năm nữa thì số lượng kỳ lân doanh nghiệp tỷ đô về công nghệ của Việt Nam có thể so sánh được với Indonesia, Singapore và một số nước trên toàn cầu.