Từng là một nhiếp ảnh gia, Li Shufu đã trở thành người đàn ông có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu ở độ tuổi U50.
Tham vọng kinh doanh có sẵn trong máu
Li Shufu là con trai của một nông dân Trung Quốc, nhưng ngay từ lúc bắt đầu nghề ảnh, ông đã sớm cho thấy khả năng kinh doanh của mình. Li Shufu mở một studio khi người cha cho ông 100 Nhân dân tệ (khoảng 16 USD). "Chiếc máy ảnh giá rất rẻ" của ông Li không còn tốt nữa. Vì vậy ông đã mua một "máy ảnh chuyên nghiệp" cùng một loạt thiết bị ánh sáng, đồ đạc và phông nền cho studio.
Động lực trong kinh doanh đã giúp người đàn ông có sở thích làm thơ trở thành một trong những người đứng đầu ngành công nghiệp tư nhân Trung Quốc ở tuổi 50. Geely là nhà sản xuất ôtô không thuộc sở hữu của nhà nước đầu tiên vào thời điểm thành lập.
Sau nhiếp ảnh, Li Shufu dấn thân vào ngành công nghiệp bằng một ngành nghề khá mới lúc đó. Ông nhận thấy cơ hội trong việc khai thác vàng bạc trong những thiết bị điện tử hư hỏng. Tuy nhiên, sau này sự cạnh tranh gay gắt hơn. "Lấy vàng bạc từ thiết bị điện tử hư hỏng nhanh chóng có nhiều người khác học theo", ông nói.
Ở tuổi 23, ông chuyển sang thiết kế và sản xuất bộ phận cho tủ lạnh, và sớm có thể làm toàn bộ thiết bị cho loại sản phẩm này. Ông thành lập một công ty có tên là Geely, trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là "may mắn". Kịch bản ngành khai thác vàng bạc từ thiết bị điện tử hư hỏng lặp lại với Li Shufu.
Tuy nhiên, tới năm 1989, ông quyết định từ bỏ tất cả vì nghĩ "đây là thời điểm tốt để nghỉ ngơi" và giao việc kinh doanh cho chính quyền địa phương để đến trường đại học.
Việc học không làm Li Shufu quên đi sở thích kinh doanh. Năm 1993, ông thành lập công ty tư nhân sản xuất xe máy đầu tiên của Trung Quốc và sớm từ bỏ để nhảy vào ngành công nghiệp ôtô. Ông Li mặc bộ đồ màu xanh với huy hiệu Geely trên ve áo giải thích: "Tôi tin rằng kinh doanh ôtô là một ngành kinh doanh toàn diện và phức tạp. Nó không hề dễ dàng".
Sản xuất ôtô - con đường đầy chông gai
Ngay từ thuở ban đầu, Li Shufu đã lên kế hoạch dài hạn rất rõ ràng. "Tôi tin rằng ngành công nghiệp ôtô là cạnh tranh về nguồn nhân lực, về tài chính, công nghệ và toàn cầu. Chìa khóa cho tất cả những thách thức là con người", ông nói. "Vì vậy, tôi thành lập một trường đại học và các trường kỹ thuật để cung cấp nhân lực cho các cơ sở sản xuất của công ty".
Nhưng lô xe sản xuất đầu tiên không thành công. Công ty dỡ bỏ dây chuyền sản xuất vào ngày 8/8 - ngày may mắn nhất theo truyền thống của người Trung Quốc - năm 1998. Những chiếc xe quá thô sơ, Geely chấp nhận không bán ra thị trường. "Chúng tôi đã hủy bỏ tất cả, lô xe không đủ tốt", ông nói.
Lô thứ 2 cũng bị loại bỏ, một phần ba số xe trong lô xe đó "không đạt yêu cầu". Nhà máy thứ 2 tại Ninh Ba năm 2000 đã sản xuất ra những "sản phẩm chất lượng rất kém".
Bước ngoặt đến khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và cam kết mở rộng các ngành công nghiệp trong nước. Ông Li không còn phải xin giấy phép thiết kế và sản xuất từ một một công ty khác, vì chính ông có thể tự làm việc đó.
Sau nhiều thất bại với chiếc xe mang nhiều tâm huyết, ông Li đã suy nghĩ về Volvo vào năm 2002 - ngay cả khi công ty chưa có một mẫu xe sản xuất thành công. "Tôi chỉ nghĩ rằng Ford lúc đó sở hữu nhiều thương hiệu, tới một thời điểm nào đó chúng tôi sẽ có cơ hội sở một trong số đó, và Volvo là thương hiệu yêu thích của tôi", Li Shufu nói.
Tháng 8/2010, những đồn đoán trở thành sự thật. Geely chính thức mua lại Volvo với số tiền 1,8 tỷ USD, thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một nhà sản xuất ôtô Trung Quốc.
"Sự phát triển của chúng tôi thành một công ty toàn cầu, điều này không thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ từ Geely", Giám đốc điều hành Hakan Samuelsson nói. "Họ là một chủ sở hữu rất chuyên nghiệp, hoàn toàn trái ngược với những gì mọi người nghĩ ngay từ đầu".
Sau khi về tay Geely Volvo chưa bao giờ phát triển như vậy. Thương hiệu Thụy Điển đã dành nhiều thập kỷ tập trung phát triển thế mạnh về công nghệ an toàn.
Giờ đây, Volvo chuẩn bị IPO vào cuối năm nay, với mức định giá doanh nghiệp vào khoảng 20 tỷ USD. Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu thường có thói quen sắp xếp lại hoạt động các công ty con thuộc đế chế xe hơi của mình để tìm ra giá trị đầu tư tốt nhất. Thế nhưng, chiến lược gia tài giỏi này lại chưa giải quyết được vấn đề của chính bản thân - đó là khoản nợ khổng lồ đang ngày một gia tăng.
Vài tháng một lần, Zhejiang Geely - tập đoàn mẹ của Geely Automobile và Volvo Car AB của Thụy Điển - lại đưa ra một kế hoạch khác nhau cho các công ty con.
Cho dù đó là niêm yết trên thị trường chứng khoán, thanh lý tài sản, tạo thương hiệu mới để gia tăng giá trị hay hợp nhất các bộ phận và đơn vị khác nhau, mục tiêu đặt ra chỉ có một: chuyển đổi giá trị và tối đa hóa hiệu quả tất cả nguồn vốn đang được đưa vào hoạt động.
Vào tháng 7 vừa qua, Volvo đã đồng ý nắm quyền kiểm soát trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc từ Zhejiang Geely. Điều này xảy ra sau khi Zhejiang Geely hoãn kế hoạch hợp nhất Geely Automobile và Volvo, vốn được cho là sẽ giúp hợp lý hóa nguồn vốn và chi phí sản xuất.
Hai công ty sau đó thành lập công ty liên doanh với có tên gọi Aurobay nhằm cung cấp các hệ thống truyền động hoàn chỉnh bao gồm động cơ đốt trong thế hệ mới, hộp số và hệ thống hybrid.
Cùng thời điểm này, Volvo tiết lộ ý định tăng cổ phần ở thương hiệu xe điện Polestar. Khoản đầu tư vào Polestar đã giúp giá trị thương hiệu Volvo tăng 239 triệu USD. Theo thông tin từ Bloomberg, Polestar đang đàm phán để tiến hành IPO thông qua việc sáp nhập với một SPAC, qua đó nâng định giá công ty sau thương vụ này lên mức 25 tỷ USD.
Kể từ khi mua lại nhà sản xuất ô tô Thụy Điển từ Ford Motor, tỷ phú Li Shufu đã tìm nhiều cách để xoay chuyển tình thế khó khăn của Volvo. Giờ đây, Volvo đã trở thành thương hiệu mạnh hơn cả Geely. Trong nửa đầu năm 2021, Volvo đã mang về cho công ty mẹ 481,3 triệu USD doanh thu và 695,7 triệu USD tiền cổ tức đặc biệt.
Tuy nhiên, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào bởi khoản nợ chồng chất của tập đoàn mẹ Zhejiang Geely. Tính đến cuối năm 2020, Zhejiang Geely đang vướng phải các khoản nợ lên tới 23,9 tỷ USD, tăng từ mức 19,5 tỷ USD của một năm trước đó.
Ngay cả khi Volvo và Geely Automobile hiện đang không ghi nhận khoản nợ nào, thì hệ số đòn bẩy tài chính của công ty mẹ vẫn sẽ khiến rủi ro quản lý gia tăng, đặc biệt khi nhu cầu chi tiêu tiếp tục tăng và việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Trong hồ sơ chào bán trái phiếu gần đây của Zhejiang Geely có lưu ý, “các khoản nợ, hệ số đòn bẩy tương đối cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất lợi đến tính thanh khoản của tập đoàn".
Bản hồ sơ cũng tiết lộ, tập đoàn có thể phải rút bớt dòng tiền đang đưa vào hoạt động để trả nợ. Do đó, vốn lưu động cũng sẽ giảm đi. Gánh nặng từ các khoản nợ ngày một tăng cao phần nào hạn chế tính thanh khoản của tập đoàn.
Theo S&P Global Ratings, ông vua xe hơi Trung Quốc khó có thể giảm bớt các khoản nợ nếu không có vốn cổ phần từ các công ty con. Việc niêm yết Geely Automobile trên thị trường Shanghai Star Board có thể giúp giảm bớt nợ, nhưng kế hoạch này đã thất bại. Để giải quyết vấn đề, ông đang tính đến việc tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài cho dự án phát triển thương hiệu xe điện Zeekr.
Thương vụ IPO của Volvo sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Việc trả bớt nợ sẽ giúp Volvo có được mức định giá cao nhất mà tỷ phú Li Shufu đang hướng tới. Và tất nhiên, các cổ đông khác cũng sẽ vô cùng hài lòng với điều này.
Có thể bạn quan tâm