Từ việc sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, du lịch Đà Nẵng đang có thêm nhiều “trợ lực” mới từ các sự kiện, lễ hội, mô hình du lịch xanh,... để phát triển ngành.
Theo thống kê, tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2,6 triệu lượt, khách trong nước đạt 3,2 triệu lượt.
Hút khách từ các lễ hội
Hiện tại, Đà Nẵng đang bước vào thời điểm rộn ràng nhất trong năm với đợt cao điểm du lịch hè. Giai đoạn này, không khí lễ hội và các sự kiện lớn lan tỏa khắp nơi, nhiều chương trình lớn được tổ chức xuyên suốt thu hút được sự quan tâm của lượng lớn du khách.
Là tâm điểm mùa du lịch hè, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2025) với chủ đề “Đà Nẵng kỷ nguyên mới” là sự kiện pháo hoa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng, với 10 đội tham dự. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật pháo hoa với âm nhạc và màu sắc văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia, các đội thi mang đến cho khán giả những màn trình diễn hoành tráng và đầy cảm xúc.
Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và khẳng định vị thế “Đà Nẵng Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2025 cộng hưởng cùng các sự kiện tầm cỡ như DIFF 2025 và Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3. Các chương trình đều được đầu tư quy mô lớn, bài bản và chuyên nghiệp với hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, ẩm thực, dịch vụ… qua đó hình thành chuỗi hoạt động mùa hè đặc sắc, mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho du khách.
Sở Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng thống kê, đã có 1,17 triệu lượt khách du lịch lưu trú trong một tháng diễn ra vòng loại DIFF 2025 từ 31/5 đến 30/6 vừa qua. Trong đó, riêng 5 đêm pháo hoa đầu tiên đã thu hút gần 400.000 lượt khách, tương đương với tổng lượng khách đến DIFF 2024.
Không chỉ có Lễ hội pháo hoa, sắp tới cũng sẽ có hàng loạt sự kiện du lịch được tổ chức. Dự kiến mùa hè 2025, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 4,5 triệu lượt khách và doanh thu tiếp tục tăng khi thực hiện sáp nhập Quảng Nam.
Đặc biệt hơn, Đà Nẵng cũng vừa khai trương đường bay Dubai - Đà Nẵng do hãng hàng không Emirates khai thác với 4 chuyến mỗi tuần, đường bay Manila - Đà Nẵng do hãng hàng không Quốc gia Philippine Airlines khai thác với 3 chuyến mỗi tuần. Từ đây tạo thêm động lực đẩy mạnh xúc tiến du lịch giữa Đà Nẵng với các thị trường lớn trong khu vực và quốc tế.
Ông Trần Chí Cường - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay việc xúc tiến mở được đường bay Dubai – Đà Nẵng, transit qua Bangkok là một sự nỗ lực rất lớn và ròng rã trong 2 năm vừa qua của lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp. Theo ông Cường, việc Emirates mở đường bay tới Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, không chỉ với du lịch Đà Nẵng mà còn cả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương trong thời gian đến.
“Với sự kết nối của Emirates đến 140 điểm đến ở hầu khắp các châu lục đã mở ra cơ hội cho Đà Nẵng trong việc đa dạng các thị trường, lựa chọn các thị trường, đặc biệt là những thị trường có nguồn chi trả cao cho hoạt động du lịch. Điều này nâng cao giá trị của hoạt động du lịch Đà Nẵng thời gian tới”, ông Cường nói.
Tạo lập điểm đến quốc tế
Sau sáp nhập, Đà Nẵng mới có thêm nhiều dư địa để phát triển bứt phá ngành du lịch với các tiềm năng lịch sử, văn hóa bản địa, điểm đến du lịch xanh,... Từ đây đã tiếp thêm động lực để Đà Nẵng định vị thương hiệu, hướng đến trở thành trung tâm du lịch quốc gia và mang tầm quốc tế.
Theo các đánh giá, Đà Nẵng mới có thị trường khách quốc tế lớn về quy mô và đa dạng về cơ cấu, có thể trở thành một “mega-brand” (thương hiệu lớn) đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của du khách. Cùng với đó, địa phương này cũng có cơ hội gia tăng thời gian lưu trú, chi tiêu và giá trị hành trình của du khách, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách kết hợp đồng nhất các giá trị điểm đến.
Đặc biệt hơn, với sự kết hợp giữa hiện đại, di sản thành thị, văn hóa bản địa cùng với danh mục sản phẩm du lịch phong phú như du lịch MICE (sự kiện, hội nghị kết hợp du lịch), du lịch sinh thái, văn hóa - di sản,... sẽ thu hút lượng lớn du khách tới đây. Song song, Đà Nẵng cũng đang là điểm đến của dòng khách golf khi liên tục đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về golf như Giải BRG Open Golf Championship Danang hay Đại hội Du lịch Golf châu Á...
Hiện nay, Đà Nẵng sở hữu các sân golf đẳng cấp quốc tế gồm hệ thống sân golf như Legend Da Nang Golf Resort (2 sân Nicklaus và Norman), sân Bà Nà Hills Golf Club, sân BRG Đà Nẵng Golf Resort; tại Quảng Nam có các sân golf: Vinpearl Golf Nam Hội An (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình), Hoiana Shores Golf Club (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) và Montgomerie Links Vietnam (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) tạo tiền đề cho du lịch thể thao.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đề xuất địa phương cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiện đại và lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Đồng thời, cần thúc đẩy các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
“Cùng với đó là, cải thiện kết nối đường bộ liên vùng, phát triển hệ thống đường ven biển và mở rộng các đường bay quốc tế để tăng năng lực phục vụ mà còn là đòn bẩy thu hút đầu tư và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Dũng nói.
Theo ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty The Outbox Company cho rằng thách thức lớn nhất là định vị và quảng bá thương hiệu Đà Nẵng mới không bị “trung bình hóa” hay mất bản sắc. Vị này nhận định, việc tái tổ chức hệ biểu tượng và câu chuyện thương hiệu cần được thực hiện thận trọng. Trong đó, cần tránh “tổn thương” bản sắc cũ cũng như gây khó khăn cho việc nhận diện từ phía du khách và người dân địa phương.