Mọi khiếu nại của người dân cũng vì giá đất, doanh nghiệp hưởng lợi cũng nhờ giá đất, một số quan chức giàu lên bất thường cũng bởi do giá đất.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh tại cuộc hội thảo quốc gia về khuyến nghị sửa đổi những vấn đề kinh tế trong luật đất đai 2013, tại trường ĐH KTQD ngày 10/12.
Vậy ai là người xác định giá đất? Với cơ chế được quy định trong luật hiện nay, theo ông Ánh, người được quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất… chính là người quyết định giá đất. Như vậy, chúng ta đã hợp thức hóa, chính thức hóa điều kiện cho tham nhũng đất đai.
Cần cơ quan độc lập định giá đất
Do đó, điều ông Ánh mong muốn có một cơ quan độc lập về định giá đất, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về giá đất do cơ quan này định giá. Về vấn đề tài chính đất đai, ông Ánh kiến nghị bỏ hoàn toàn thu tiền sử dụng đất, gắn với đó là cho thuê đất. Không thể cho thuê 50 năm thu tiền 1 lần. Vì giá đất biến động hàng ngày, hàng giờ. Đặt giả thiết, cơ quan định giá 1 năm điều chỉnh 1 lần cũng đã là quá chậm, nhưng với quy mô như hiện nay thì việc điều chỉnh 1 năm/lần cũng là phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta lại cho thuê đất 1 lần tại thời điểm hiện tại, nhưng 50 năm sau mặc định giá đất vẫn như vậy. “Chúng ta tự đánh mất tiền của mình thì biết kêu ai bây giờ? Việc này phi thị trường và tôi kiến nghị cần sửa ngay”, ông Ánh đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 09/12/2019
16:30, 07/12/2019
11:00, 07/12/2019
11:00, 07/12/2019
Còn theo GS.TS Hoàng Ngọc Việt, Trường ĐH KTQD, giá đất trong bảng giá đất, khung giá đất của chính phủ và của các địa phương là rất thấp, chỉ bằng khoảng từ 30 -40% so với giá thị trường, có một số nơi còn thấp hơn. Trong khi đó, nguyên tắc then chốt nhất trong Luật Đất đai năm 2003 tại điều 6 có ghi rất rõ, giá đất xác định là phải sát với giá sử dụng đất thực tế trên thị trường. Luật Đất đai năm 2013 cũng khẳng định lại giá đất xác định phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng và đang được trao đổi. Như vậy, luật đã quy định cụ thể, nhưng trên thực tế giá đất vẫn “vô cùng thấp” so với giá thị trường.
Theo ông Việt, việc xác định giá đất thấp, trong đó có phần đất sử dụng cho mục đích thanh toán dự án BT là gây thất thoát cực kỳ “ghê gớm”. Ông Việt dẫn chứng, cách đây 2 năm, UBND của một tỉnh (xin không nêu đích danh) đã quyết định dành 105ha đất đổi lấy 1,9 km đường đô thị. Dư luận không đồng tình, báo chí vào cuộc và Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, tính toán lại. 6 tháng sau khi tính lại chỉ giao 24,18ha, bằng ¼ so với mức định ra ban đầu. “Lãng phí như vậy rất phổ biến”, ông Việt nhấn manh.
Nguyên nhân “chủ quan” làm giá đất thấp
Nguyên nhân nào “ngăn cản” giá đất? Theo ông Việt, phải chăng giá đất thấp vì nếu xác định bằng giá thị trường, thì ngân sách nhà nước không đủ đền bù cho nhiều dự án hạ tầng ở các khu đô thị? Trên thực tế là như vậy, nhưng chỉ đúng với những trường hợp được xem xét một cách tách biệt, còn nếu xét tổng thể, có nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế, tổng thu của nhà nước về đất đai (nếu giá đất xác định bằng giá thị trường), với tổng chi của nhà nước để bồi thường thì chắc chắn là không chênh lệch, thậm chí còn dư ra. Do đó, theo quan điểm của ông Việt, đây không phải là nguyên nhân buộc giá đất phải thấp hơn giá thị trường như hiện nay.
Nguyên nhân nếu giá đất sát với giá thị trường sẽ đẩy giá đất lên cao, có thể gây biến động hoặc bất lợi cho thị trường bất động sản. Ông Việt bày tỏ quan điểm, đây là lý do không thuyết phục, bởi quyền sử dụng đất là một thứ hàng hóa, giá hàng hóa phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. Về mặt tâm lý, khi đột ngột tăng giá đất từ 30 - 40% lên 70 - 80% thì ít nhiều cũng có tác động, nhưng xét cả quá trình dù có quy định bao nhiêu phần trăm thì vẫn phải là giá thị trường, do không vượt qua giá thị trường nên không thể làm tăng giá đất. Đây cũng là nguyên nhân không buộc giá đất phải thấp hơn giá thị trường.
Còn nói nếu giá đất sát với giá thị trường sẽ gây khó khăn cho một số hộ dân còn sử dụng đất nông nghiệp trước hoặc sau năm 1993 phải đóng 50% - 100% giá trị giá đất để nhận sổ đỏ. Chúng ta hoàn toàn có chính sách để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn nhà nước giảm từ 100% xuống 4% thì giải quyết được ngay. Như vậy, nguyên nhân này cũng không buộc giá đất phải thấp hơn giá thị trường. “Qua phân tíchkhông thấy nguyên nhân nào buộc giá đất phải thấp hơn giá thị trường. Vậy, nguyên nhân còn lại là do chủ quan”, ông Việt nói.