Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thí điểm mở rộng loại đất thực hiện dự án nhà thương mại là cần thiết, đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV để bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (gọi tắt là Nghị quyết thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại).
Theo đó, tại Chương trình Kỳ họp 8 Quốc hội khoá XV vừa được điều chỉnh chiều 7/11, vào sáng ngày 13/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tổng cộng 579 dự án nhà ở thương mại đang triển khai theo cơ chế thỏa thuận hoặc đã có quyền sử dụng đất. Trong đó, 493 dự án được xác định có dấu hiệu vướng quy định tại Điều 23 của Luật Nhà ở 2014. Các dự án nhà ở thương mại thường được triển khai thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đã có quyền sử dụng đất, đặc biệt tập trung tại các địa phương có nền kinh tế phát triển và nhu cầu về đất ở cao.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, Nghị quyết trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ mở ra cơ hội tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng đối với những dự án đã triển khai nhưng “vướng” đất ở. Qua đó, tạo ra một cơ chế pháp lý đồng bộ toàn diện về đầu tư, khơi thông nguồn lực đất đai và tạo nguồn cung mới về sản phẩm nhà ở thương mại ra thị trường. "Khi nguồn cung tăng cao, cơ hội tiếp cận với giấc mơ an cư của người dân sẽ gần hơn", luật sư Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung nhà ở, đặc biệt là đối với phân khúc chung cư vừa túi tiền tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, “hi sinh” các loại đất khác đất ở như đất nông nghiệp, đất rừng,… để làm dự án là rất cần thiết. Có như vậy, mới bắt kịp được tốc độ phát triển cũng như thỏa mãn tốc độ đô thị hóa tại nước ta.
Bên cạnh đó sẽ tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, xây dựng nên nhiều công trình, chỉnh trang đô thị ngày một đẹp hơn. Không chỉ tạo nên kết cấu hạ tầng đô thị tốt hơn mà cũng giúp các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn. Như vậy, một mũi tên nhưng có thể trúng nhiều đích.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Phạm Đức Toản - CEO CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), muốn thực hiện thí điểm thì vẫn cần phụ thuộc vào hạn mức, hạn ngạch về kế hoạch sử dụng đất, phát triển nhà ở của mỗi địa phương và từng khu vực.
Ông Toản cho biết, mỗi một địa phương đã được phân bổ, có kế hoạch xin được chuyển đổi bao nhiêu đất lúa, đất rừng, đất lúa, đất phi nông nghiệp, đất khác sang đất ở… là khác nhau. Kèm theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong luật cũng đã quy định rằng, trong trường hợp đất khác đất ở, bắt buộc phải có một phần đất ở kèm theo thì mới được chuyển đổi sang đất ở.
Chỉ rõ thực trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội và TP HCM trong khi các địa phương khác như tỉnh lẻ vẫn còn dư thừa về đất đai, ông Toản cho rằng, cần khoanh vùng những khu vực cụ thể, chi tiết hơn để chính quyền, cơ quan chức năng tự quyết định về việc triển khai thực hiện thí điểm.