Người dân Việt Nam đã dần thích ứng với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặt biệt trong bối cảnh đứt gãy lớn diễn ra do COVID-19 diễn ra đã giúp thanh toán số có cơ hội bứt phá.
Đại dịch COVID-19 đi qua đã cho thấy những khó khăn, sự đứt gãy lớn trong đời sống xã hội, làm thay đổi nhiều nguyên tắc, hạn chế tiếp xúc, nhằm tránh lây nhiễm. Điều này làm cho hoạt động giao dịch gián đoạn, thanh toán bằng tiền mặt bị hạn chế và ngay lúc đấy, thanh toán điện tử, thanh toán qua thẻ, ví điện tử như “cá gặp nước”, bước vào giai đoạn bùng nổ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong ba tháng đầu năm 2023, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng cao về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng, trong đó qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.
Việc thay đổi hành vi người dùng từ tiền mặt sang thanh toán ví điện tử hoặc qua kênh thanh toán ngân hàng trực tuyến đã khiến lượng tiền mặt cần rút từ cây ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị.
Theo một báo cáo mới đây của Visa, 65% người tiêu dùng tại Việt Nam hiện mang ít tiền mặt hơn so với trước COVID-19, trong khi 76% sử dụng ví điện tử. Trên 80% người tiêu dùng sử dụng thanh toán thẻ, giao dịch mã QR, ví điện tử hàng tuần.
Những con số cho thấy, các doanh nghiệp đã thành công trong việc thay đổi nhận thức sử dụng tiền mặt trong giao dịch, từ giao dịch số lượng lớn nay thậm chí đi chợ người dân cũng đã có thể quét QR thanh toán. Đây là hiện thực mà cách đây một vài năm không ai nghĩ tới.
Và để đạt được kết quả trên, không thể không nhắc đến cuộc đua thị phần giữa các ví điện tử, một cuộc đua dài hơi và trường kỳ.
Theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” quý I/2023 của Decision Lab cho thấy top 3 doanh nghiệp có thị phần ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam gồm: MoMo, Zalopay và Viettelpay.
Theo đó, hiện MoMo dẫn đầu mảng thị phần khi chiếm tới 68% thị phần ví điện tử, xếp sau lần lượt là Zalopay (53%), Viettelpay (27%), ShopeePay (25%), VNpay (16%), Moca của Grabpay đang bị bỏ xa nhất khi chỉ chiếm 7%.
Với thị phần dẫn xa các đối thủ khác, đại diện MoMo cho biết họ không ngừng cải tiến giao diện thiết kế đến mở rộng và phát triển các tính năng, tiện ích trên nền tảng Siêu ứng dụng của mình. “Việc luôn đặt người dùng làm trọng tâm trong tất cả hoạt động cũng như sự phát triển dịch vụ, sản phẩm là yếu tố giúp MoMo thu hút và giữ chân hàng chục triệu người dùng Việt”, đại diện MoMo biết.
Báo cáo cũng chỉ ra MoMo là Fintech được yêu thích nhất với mức độ yêu thích 48%, tăng trưởng 2% so với quý IV/2022. Mức độ yêu thích của MoMo cũng dẫn đầu tuyệt đối ở cả ba thế hệ (Gen) X, Y và Z. Đặc biệt, MoMo chiếm thế thượng phong khi có mức độ yêu thích cao hơn 50% đối với hai nhóm người dùng Gen Z (từ 16-25 tuổi) và Gen Y (từ 26-41 tuổi), với tỷ lệ lần lượt là 51% và 54%.
Bước sang quý II/2023, MoMo tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều dịch vụ, tiện ích mới. Mới đây, MoMo chính thức chính thức trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên Apple Store trực tuyến, mang đến cho người dùng Việt đa dạng phương thức thanh toán để mua sắm các sản phẩm Apple yêu thích và dễ dàng quản lý, cân đối tài chính của mình.
MoMo cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với những đối tác quốc tế, tiên phong ra mắt các tính năng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hàng chục triệu người dùng.
Các đối thủ của MoMo cũng trong thời gian qua cũng không ngừng tìm cách đẩy mạnh thị phần của mình. Tháng 1-2023 vừa qua, Zalopay và Grab đã chính thức công bố hợp tác triển khai phương thức thanh toán mới bằng ZaloPay trên ứng dụng Grab.
Theo đó, người dùng Grab có thể lựa chọn ví điện tử ZaloPay để thanh toán các dịch vụ: đặt xe, đặt đồ ăn, đi chợ online và giao hàng, bên cạnh những hình thức thanh toán hiện có như ví Moca trên ứng dụng Grab, bằng các thẻ ngân hàng đã liên kết hoặc tiền mặt.
Mặc dù thị phần của Zalopay vẫn thấp hơn so với MoMo tuy nhiên, họ vẫn đang đuổi theo sát nút, ZaloPay đã có bước đi chưa từng có tiền lệ trong ngành ví điện tử - là tích hợp vào ứng dụng chat Zalo, thành công đưa ZaloPay đến với 100 triệu người dùng Zalo một cách nhanh nhất.
Đồng thời, ví điện tử này cũng từng bước tiếp cận với các doanh nghiệp - đặc biệt là hộ kinh doanh vừa và nhỏ - để giới thiệu những lợi ích của mô hình thanh toán không tiền mặt, mang đến các giải pháp để họ có thể ứng dụng và vận hành thanh toán không tiền mặt dễ dàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - cho biết, ngày càng nhiều người dùng Grab lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt kể từ đại dịch.
Tuy nhiên, hình thức thanh toán tiện lợi này vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng. Grab luôn tích cực đầu tư vào các giải pháp bao gồm cả tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác phù hợp, có cùng tầm nhìn và định hướng kinh doanh - như với ZaloPay để đẩy mạnh hơn nữa giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng.
VNPay cũng không ngừng mở rộng hệ sinh thái của mình bằng cách bắt tay với cả đối thủ trong ngành là ví 9Pay, VinID để tăng trải nghiệm thanh toán điện tử; hay hợp tác với Visa trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
ShopeePay dù đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh là ví điện tử tích hợp trong sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường là Shopee, nhưng cũng đang chạy đua mở rộng bằng việc tích hợp tính năng trong mua sắm, thanh toán hóa đơn, nạp điện thoại, và các dịch vụ khác như mua vé máy bay, xe khách và đặt phòng khách sạn...
Có thể thấy, cuộc đua thị phần của các doanh nghiệp ví điện tử không chỉ dừng ở mức thu hút người dùng mới, mà còn phải mở rộng thêm nhiều dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái hợp lý để giữ chân khách hàng cũ. Chất lượng và dịch vụ sẽ là những yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp sẽ còn phải tiếp tục tiến tới.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 29/03/2023
11:04, 15/11/2022
05:30, 15/08/2022
11:30, 29/07/2022