Sự hiện diện của nhà phân phối bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan là minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, ngày 17/12.
Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới. Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năng lực sản xuất, năng lực phát triển sản phẩm, thị trường, đến kết nối giao thương cho doanh nghiệp với người mua hàng, để đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài.
“Từ khi Đề án được triển khai, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về một mô hình kinh doanh mới đã ngày càng sâu sắc hơn. Doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cung ứng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trải qua 5 năm triển khai Đề án, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương, không chỉ góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.
“Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá là một Đề án quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp một phần không nhỏ việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng trong thời gian tới, các Tập đoàn Central Retail, Wal Mart, AEON, Lotte và Mega Market sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh, với vai trò Đối tác chiến lược của Bộ Công Thương để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hay nói cách khác là đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài cho bản thân mình. “Tôi tin tưởng với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vince Trần, trưởng phòng cấp cao II, bộ phận phát triển ngành Công ty TNHH dịch vụ WMGS Việt Nam (đại diện Walmart tại Việt Nam) cho biết, việc đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị ngoại gặp nhiều khó khăn, khi có trên 95% nhà xuất khẩu của Việt Nam vào Walmart hiện nay là các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, mặc dù mong muốn được làm việc trực tiếp với doanh nghiệp mang "quốc tịch" Việt Nam, nhưng nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nội địa vẫn chưa có thế mạnh.
Đơn cử với lĩnh vực dệt may là sản phẩm có thế mạnh nhất cũng được nhà bán lẻ Mỹ mua vào nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy vậy, đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hợp đồng trực tiếp, mà chỉ có 3-4 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào được nhưng đều qua kênh gián tiếp.
"Lý do là vì doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu thị trường tiêu dùng Mỹ và chưa phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Mong muốn của chúng tôi là doanh nghiệp phải đưa ra được sản phẩm tự thiết kế, đánh giá tiềm năng sản phẩm và chúng tôi sẽ ưu tiên cho việc này. Walmart cũng ưu tiên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cần một kênh kết nối chủ động hơn", ông Vince Trần nói.
Có thể bạn quan tâm
10:32, 28/10/2020
13:29, 30/08/2020
19:51, 06/08/2020
13:12, 02/08/2020