Nếu như thị trường bất động sản (BĐS) cuối năm 2018 tại TP.HCM thấy rõ sự sụt giảm thì các chuyên gia nhận xét đầu năm 2019 sẽ khởi sắc trở lại ở một số phân khúc.
Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng thị trường TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét.
So sánh tình hình thị trường bất động sản thành phố 9 tháng đầu năm 2018 với 9 tháng đầu năm 2017 đều thể hiện sụt giảm. Cụ thể, số lượng dự án giảm 11,1%, tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất - chỉ giảm 9,6%, căn hộ trung cấp giảm 37,5%, căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.
Theo ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Capella Holdings, hầu hết các chủ đầu tư đang tập chung cho việc tổng kết năm và lên kế hoạch cho quý 1/2019. Năm 2019 thị trường BĐS TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng sẽ sôi động tương tự như đầu năm 2018. Đặc biệt, phân khúc nhà ở thuộc dạng thu nhập thấp và trung bình vẫn có triển vọng tốt, bởi thực tế trên thị trường phân khúc này không còn nhiều.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, thị trường BĐS sẽ có sự phát triển và khởi sắc hơn ở phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh và cùng với phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ.
Đặc biệt, xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.
Ở phân khúc condotel sẽ tiếp tục chững lại và giá cả hợp lý hơn. Dự kiến sẽ có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các loại hình bất động sản mới như condotel, hometel, officetel, serviced apartment, shophouse để định hướng phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Thực tế ở TP.HCM, trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở.
Ngoài ra, còn có kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. "Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh" – ông Châu dự báo.