Thương mại điện tử đang bước vào thời kỳ bùng nổ, nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát cũng ngày càng tăng mạnh, đưa bưu chính trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh “hot”.
Các doanh nghiệp bưu chính đang có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, tuy nhiên, song song đó, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, tổng doanh thu của dịch vụ bưu chính và chuyển phát đạt khoảng 23.530 tỷ đồng và năm 2019 ước đạt 34.311 tỷ đồng, tăng 22,65% so với năm 2018. Tại Việt Nam, VNPost chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bưu chính, tiếp theo là ViettelPost và DHL-VNPT…
Tuy nhiên, “miếng bánh ngọt” giờ đang được chia sẻ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, không chỉ có các doanh nghiệp bưu chính truyền thống mà còn có các doanh nghiệp vận tải/logistics, các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) về công nghệ. Tham gia thị trường không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam mà còn có cả các doanh nghiệp chuyển phát toàn cầu, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới.
Sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp khiến cho bức tranh thị trường bưu chính ngày một sôi động, nhưng kèm theo đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi từng doanh nghiệp phải nỗ lực để tồn tại và phát triển. Thế nhưng trên thị trường cũng có cả những doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính khi chưa có giấy phép khiến cho hoạt động bưu chính trở nên khó kiểm soát hơn.
Chưa hết, ngoài những rủi ro về mặt pháp lý do các văn bản quy phạm pháp luật còn “kẽ hở”, hoặc có sự chồng chéo dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất, thực tế còn cho thấy, hàng lậu, hàng cấm có thể lọt vào quy trình giao nhận, chuyển phát của các doanh nghiệp bưu chính - đây là rủi ro thường trực khiến nhiều doanh nghiệp bưu chính lớn cũng phải dè chừng.
Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bưu chính, luật sư Nguyễn Xuân Bằng - Công ty Luật TNHH KTD, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: hành lang pháp lý để “quản” hoạt động bưu chính vẫn còn một số điểm chưa hoàn thiện khiến doanh nghiệp bưu chính được phép vận chuyển hàng không thuộc danh mục “hàng cấm gửi”, những mặt hàng “không có hóa đơn, chứng từ” không có trong danh mục, nhưng Luật Bưu chính 2010 lại quy định nếu tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn, chứng từ thì doanh nghiệp bị liên đới.
Đồng thời còn có sự mâu thuẫn về cách hiểu các loại hàng hóa được phép tiếp nhận, vận chuyển giữa Luật Đầu tư 2014, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 43/2009/NĐ-CP với Thông tư 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP; vẫn còn những quy định khác nhau, chưa thống nhất về hàng hóa nhập lậu giữa Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BQP-BCA.
Trước thực trạng đó, ngày 8/5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-BTTTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và nâng cao hiệu quả phòng chống việc chấp nhận, vận chuyển và phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính.
Thực hiện chỉ thị trên, 6 doanh nghiệp Bưu chính lớn đã ký cam kết với Bộ TT&TT không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vào ngày 28/7/2020, đó là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bưu chính Viettel (Viettel Post), Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Vietnam), Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm, Công ty CP Thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO), Công Ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Bình.
Theo đó, các doanh nghiệp cam kết thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Cam kết đào tạo, phổ biến, quán triệt đến người lao động trong doanh nghiệp các quy định của pháp luật về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính. Tăng cường kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.
Đồng thời từ chối, không chấp nhận, vận chuyển, phát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính và/hoặc không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để kinh doanh, sử dụng hàng lậu, hàng cấm. Đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp bưu chính lớn như Viettel Post hay Vietnam Post… đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các rủi ro theo 3 nguyên tắc: từ chối chấp nhận vận chuyển đối với những mặt hàng cấm gửi theo quy định của pháp luật; đối với những mặt hàng không có giấy tờ hoặc có nghi ngờ về tính hợp pháp của chứng từ hóa đơn, hoặc có nghi ngờ là hàng cấm gửi…, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra trước khi chấp nhận vận chuyển; khi người gửi cung cấp đầy đủ giấy tờ nhưng nếu doanh nghiệp phát hiện giấy tờ không đúng với thực tế hàng hóa thì cũng từ chối vận chuyển.
Những nguyên tắc đề ra để phòng ngừa rủi ro rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó để doanh nghiệp bưu chính xác định được nguồn gốc hàng hóa, giấy tờ chứng minh cho hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa là thật. Rủi ro là vẫn có hàng lậu, hàng cấm lọt được lên xe chuyển phát. Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.
Có thể nói, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp bưu chính luôn mong muốn giữ được uy tín, hình ảnh “sạch, đẹp” trong mắt khách hàng, nhưng khi khách hàng không trung thực thì bản thân các doanh nghiệp bưu chính cũng mong sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng với hành lang pháp lý đầy đủ để làm rõ sai phạm và xử lý thật nghiêm, dù rằng không một doanh nghiệp bưu chính nào mong muốn nhận được những chuyến hàng không thể về đến đích.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ rào cản giúp sàn thương mại điện tử nông sản “cất cánh”
04:30, 27/11/2020
Bán hàng ngay trong chat - Xu hướng mới của thương mại điện tử
18:21, 25/11/2020
Hóa giải khấu trừ thuế đối với giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới
04:00, 25/11/2020
Số hóa trở thành một nhu cầu thiết yếu của thương mại điện tử
04:46, 21/11/2020
Thương mại điện tử làm gia tăng nhu cầu mua sắm máy bay chở hàng
10:30, 18/11/2020
“Kẽ hở” pháp luật, quy định chồng chéo làm khó doanh nghiệp bưu chính
04:45, 25/11/2020
Khách hàng không trung thực - Rủi ro lớn với doanh nghiệp bưu chính
01:00, 22/11/2020
Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?
06:28, 20/09/2020
Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần
11:00, 05/09/2020