Giá trị của bằng cấp là khi nó đi kèm với năng lực. Học không phải để làm quan mà học để làm người, học để hiểu biết, chung sống tốt hơn với đồng loại.
Havard là ngôi trường tư danh giá nhất thế giới, nhưng cách thức tuyển sinh và hoạt động của nó cũng không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói họ cũng tiếp thị đến từng khách hàng, điều khác biệt nhất là ở chỗ, Havard luôn nhận thức được giá trị của mình và sử dụng nó một cách có hiệu quả.
Không chỉ trông chờ vào danh tiếng lâu đời, ngoài một cơ sở giáo dục, Havard còn là một doanh nghiệp. Hằng năm đầu tư rất nhiều vào việc quảng bá, vận động, thu hút học sinh giỏi nộp đơn. Mỗi năm vào đầu niên học, Harvard chủ động gửi thư đến hơn 70.000 học sinh có số điểm kỳ thi SAT đạt mức xuất sắc.
Cứ đến tháng 3, 5 và 8 hàng năm, ban tuyển sinh của Harvard lần lượt đi đến hơn một trăm thành phố ở Mỹ để tìm kiếm nhân tài cho đợt tuyển sinh tới. Bên cạnh các thành phố trong nước, thành viên ban tuyển sinh còn đến nhiều thành phố ở châu Mỹ, châu Á, Âu và cả châu Phi.
Sau khi có danh sách sơ bộ khoảng 34 nghìn ứng viên, mỗi hồ sơ phải được cả 6 thành viên trong ban tuyển sinh nhất trí thông qua. Sau đó hồ sơ được phân vùng tiếp tục gửi đến hàng chục ngàn cựu sinh viên của trường để tiếp tục phỏng vấn trực tiếp, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, khả năng tài chính. Qua đó trường sẽ tư vấn ngành học, thời lượng học phù hợp.
Ngoài danh tiếng lâu đời, nơi tạo ra hàng hàng ngàn chính khách, hàng trăm tỷ phú USD, Havard cũng không sống với hào quang dĩ vãng, họ cũng xoay xở tuyển sinh bằng chiến lược bài bản, kỹ lưỡng, thà không nhận đủ sinh viên còn hơn chấp nhận chất lượng kém để tăng thu nhập.
Đương nhiên, không thể so sánh bất cứ trường đại học nào ở Việt Nam với Havard, nhưng giáo dục Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên con đường “thương mại hóa, tự chủ hóa” nên dù muốn hay không vẫn phải đi theo con đường cái quan này.
Chất lượng đào tạo là một chuyện, bởi công bằng mà nói, hầu hết người có bằng cấp ở trong nước khó kiểm định chất lượng. Nếu muốn kiểm định được chất lượng cần có môi trường kinh tế thị trường cao độ, có thể tạo điều kiện cho người lao động cống hiến.
Một số ít người được kiểm định năng lực đều thông qua các công ty, tập đoàn nước ngoài, nếu vượt qua họ sẽ thăng hoa ở môi trường ngoài nước. Vậy nên, cách tân nền giáo dục - chỉ với nâng cao chất lượng là chưa đủ.
Xã hội học tập là điều đáng mừng, nhưng tư duy nặng nề với bằng cấp là bất cập. Để vào cơ quan X, Y, Z phải có bằng A, B, C…điều này không sai nhưng chưa triệt để trong đánh giá năng lực một cá nhân.
Đây là áp lực vô hình buộc tất cả phải có bằng nếu muốn kiếm việc, thăng chức, tăng lương. Có cầu ắt có cung, học giả, thi hộ, bằng đểu, trường “ma” cũng từ đây mà ra; rồi nảy ra hàng tá phương thức đào tạo chỉ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có tấm bằng - làm gì không cần biết!
Đến lượt người học, hàng chục thế hệ được tiêm nhiễm câu nói “gắng học đi con, đừng làm thợ hồ”. Vô hình dung, thợ hồ là một nghề rất…không tốt. Và rồi, học xong đại học, lỡ thất nghiệp cũng không chịu làm thợ hồ, thà bổ sung vào đội quân thất nghiệp còn hơn!
Học để đổi đời, học để kiếm cơm luôn luôn đúng, chỉ là người ta cố tình hiểu sai câu nói này mà thôi. Chẳng có công việc nào “ngồi mát ăn bát vàng”, kể cả bạn có bằng MBA, PhD của Mỹ, Anh, Pháp…
Nhưng khổ nỗi, với đa số người Việt Nam, cứ mặc định học đại học sẽ có công việc nhàn hạ, họ quên rằng, chức năng của giáo dục và đào tạo không trực tiếp đáp ứng nhu cầu này.
Giáo dục có nhiệm vụ khai dân trí, mở mang kiến thức, cải tạo con người theo hướng chân thiện mỹ; đào tạo giúp con người có kỹ năng sinh tồn. Như vậy có nghĩa, có học, có bằng không có nghĩa là sẽ có công việc nào đó “ngon ăn” mà cái chính ở chỗ, cùng làm một công việc nhưng người có kiến thức sẽ có cách thức làm tốt hơn.
Giá trị của bằng cấp là khi nó đi kèm với năng lực. Học không phải để làm quan mà học để làm người, học để hiểu biết, chung sống tốt hơn với đồng loại.
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm
Giáo dục đại học và thị trường nửa vời
06:20, 16/09/2020
Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong môi trường giáo dục đại học
04:05, 22/04/2020
Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia giáo dục đại học
19:20, 31/03/2020
Giáo dục đại học với “miếng bánh” 89 tỷ USD
11:00, 18/02/2020
NHG thành lập Hội đồng giáo dục đại học
14:58, 28/02/2019