Giáo dục đại học và thị trường nửa vời

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 16/09/2020 06:20

Tính chất của thị trường giáo dục còn khiếm khuyết tất yếu nảy sinh những vấn đề nhức nhối như cạnh tranh "bẩn", đem con bỏ chợ...

Nhiều đại học ở nước ta đang tham gia vào thị trường nửa vời

Nhiều đại học ở nước ta đang tham gia vào thị trường nửa vời

Năm đó, nhìn tấm băng rôn tuyển sinh và giới thiệu vài lớp học “cuốn chiếu” học tại một trường cấp 2 ở nông thôn, có một thầy giáo nói với tôi: “Em coi, đại học bây giờ mở về tận làng rồi đó”.

Mới đây vài ngày, trên đường đi làm, tôi lại bắt gặp một nhóm người ăn mặc khá bảnh bao, ngồi ăn mỳ bên lề đường, cạnh đó là chiếc xe 16 chỗ ngồi, trước mui có tấm băng rôn “nhóm tư vấn tuyển sinh Trường đại học DT”.

Tư vấn tuyển sinh là điều mà cách đây hơn chục năm rất lạ lẫm, tốt nghiệp cấp III, muốn học đại học, cao đẳng phải nhờ và cuốn cẩm nang mang tên “Hướng dẫn tuyển sinh”, có được cuốn sách này, cả lớp nháo nhào tranh nhau xem, ghi chép cẩn thận tên trường, tên ngành, mã ngành, địa chỉ.

Đó là một thời đại học đang hoàng kim, “cổng trường đại học cao vời vợi, mười thằng leo tới chín thằng rơi”, có người sự nghiệp đèn sách 4-5 lần mới toại nguyện, cũng rất nhiều người phải ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ chính đáng.

Nay khác trước, xã hội thông tin cho phép tiếp cận tất cả mọi thứ, dĩ nhiên bản “cứng” hướng dẫn tuyển sinh đã hết sứ mệnh của nó. Bây giờ, hầu hết các trường đại học săn tìm sinh viên, đội ngũ makerting trong trường tư thục, dân lập, bán công đôi khi khó tuyển và quan trọng hơn giảng viên!

Điều đó - tuy mang tới tín hiệu mừng cho nền giáo dục, vì cuối cùng, điều gì đến phải đến, giáo dục bậc cao phải xích lại với thị trường lao động, chính họ phải đi tìm con người để đào tạo, và quan trọng hơn là tồn tại.

Song, lo nhiều hơn mừng! Là bởi, các trường đại học đang phải tham gia một thị trường giáo dục nửa vời, có đối diện với cạnh tranh, cung cầu. Nhưng thật sự chưa có một chủ thể giáo dục nào dám khẳng định “sản phẩm dịch vụ” của họ là tốt nhất, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng được đảm bảo.

Giá trị, giá cả của sản phẩm cũng gắn chặt với cung cầu, cạnh tranh. Nếu giá trị thấp, giá cả đắt khó mơ cầu lớn, cầu không có thì cung ứ đọng, ế ẩm. Dù muốn hay không thì giáo dục từ nay phải sống chung với các nguyên tắc này.

Chẳng có một đơn vị cung cấp dịch vụ ngoài công lập nào tồn tại được nếu như họ không cam kết về chất lượng sản phẩm do mình tạo ra, chưa kể phải đối sánh, so găng với đối thủ.

Cần có những hệ thống đào tạo nhân lực bài bản hơn

Cần có những hệ thống đào tạo nhân lực bài bản hơn

Nghịch lý thay, trong thị trường nửa vời này, người sử dụng dịch vụ giáo dục hoàn toàn bị động, sau nhiều năm dùi mài, là tấm bằng mà không một cơ sở nào định lượng được giá trị của nó. Vậy người sử dụng lao động sẽ phải tính thế nào đây? Họ cũng chấp nhận may rủi, hoặc phải tái đào tạo!

Không ai định lượng được tấm bằng, trình độ, kỹ năng làm việc, nên rất rất nhiều “người có bằng” cũng tồn tại đầy may rủi, hên xui, được chăng hay chớ, tất cả những người xin được chô làm ưng ý đều được xem là “may mắn, tốt số”.

Giáo dục cạnh tranh - bản chất không xấu, nếu không muốn nói là hoàn toàn phù hợp với quốc tế, mặc dù giáo dục Việt Nam chậm chân so với khu vực và thế giới. Nhưng cạnh tranh chỉ phát huy mặt tốt của nó trong môi trường pháp lý vững mạnh, văn hóa kinh doanh - giáo dục thuộc nhóm cao.

Ngược lại, cạnh tranh dễ dàng biến tướng thành bôi nhọ, nói xấu, đâm sau lưng nhau nếu như nền pháp lý kém lành mạnh, văn hóa kinh doanh thấp thỏi.

Tại Đà Nẵng, trước thềm tuyển sinh xuất hiện bản đánh giá nặc danh xếp hạng các trường đại học từ cao đến thấp, bản đánh giá này “dựa” vào cơ sở vật chất, học phí, chương trình học của các trường Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kiến trúc, Đông Á, Duy Tân…

Và còn rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra ở môi trường giáo dục bậc cao trong vòng vài năm trở lại đây. Chẳng có gì bất ngờ, vì đây chính là hệ quả của một giai đoạn “đại học mọc như nấm” do thiếu quy hoạch, dự báo, xa rời nhu cầu thị trường.

Giáo dục là điều kiện bắt buộc của mọi quốc gia, nguyên tắc này ủng hộ phương châm “xã hội hóa giáo dục”, nhiều trường, lớp, hình thức đào tạo. Nhưng phải có công cụ kiểm soát, bản thân các trường phải giữ được danh dự, uy tín.

Văn hóa Việt Nam chưa “xem nhẹ bằng đại học” nên cứ để thừa bằng, thừa con người sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng giá trị xã hội từ sâu trong tiềm thức. Nên phải xác định lại sứ mệnh của đại học hiện nay là phụng sự xã hội hay chỉ để vì tồn tại trước đã!?

Có thể bạn quan tâm

  • Đậu đại học dễ hơn... “ăn kẹo”

    Đậu đại học dễ hơn... “ăn kẹo”

    05:00, 14/09/2020

  • Đại học Quốc gia Hà Nội ì ạch di dời... vì đâu?

    Đại học Quốc gia Hà Nội ì ạch di dời... vì đâu?

    17:00, 11/09/2020

  • Sinh viên Đại học Fulbright nhận học bổng 50.000 USD từ TPBank

    Sinh viên Đại học Fulbright nhận học bổng 50.000 USD từ TPBank

    09:30, 31/08/2020

  • Di dời các trường Đại học, Cao đẳng khỏi nội đô: Vẫn dậm chân tại chỗ

    Di dời các trường Đại học, Cao đẳng khỏi nội đô: Vẫn dậm chân tại chỗ

    13:23, 11/08/2020

  • “Nguồn vốn” phát triển doanh nghiệp: Giáo dục - “tín dụng đặc thù” cho tương lai

    “Nguồn vốn” phát triển doanh nghiệp: Giáo dục - “tín dụng đặc thù” cho tương lai

    05:00, 12/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giáo dục đại học và thị trường nửa vời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO