Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu xem xét áp dụng Cơ chế mua bán điện trực tiếp không giới hạn đối tượng tham gia, nhưng phải bảo đảm an toàn lưới điện, vận hành, truyền tải….
>>Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà
Đây là ý kiến của ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong cuộc họp diễn ra vào sáng 14/5 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì về nội dung dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng các chuyên gia và nhà khoa học đến tham dự và góp ý.
Tại cuộc họp về cơ chế DPPA, Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua. Khi đó, các bên tham gia sẽ chi trả chi phí vận hành, truyền tải để EVN đảm bảo an toàn lưới điện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị định cần xác định rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp; cũng như qyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp. Đồng thời việc mua bán điện cần bảo đảm an toàn lưới điện; chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Với cơ chế DPPA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự thảo Nghị định quy định mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện, trách nhiệm các đơn vị có liên quan… Khi ban hành Nghị định là bảo đảm khả thi, có thể thực hiện được ngay, không cần thông tư hướng dẫn, hạn chế thủ tục hành chính.
Được biết, Cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xây dựng từ trước, nhưng chưa thực hiện được phải nâng lên đặt xuống nhiều lần vì chưa tính được chi phí truyền tải. Nếu chúng ta thực hiện sớm được cơ chế này thì đây sẽ là cơ sở để tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh, đem lại lợi ích cho các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng lớn trong lĩnh vực năng lượng, điện lực, nhưng việc triển khai còn chậm, trong đó có định hướng phát triển thị trường điện cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân là hành lang pháp lý chưa đồng bộ, điều kiện tổ chức, mô hình thực hiện còn mang tính đặc thù.
Thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã phát huy vai trò chủ đạo trong bảo đảm cân đối nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên, các thành phần kinh tế khác cũng rất khó tham gia.
Được biết, hình thức mua bán điện trực tiếp sẽ được thực hiện qua 2 phương án.
Một là mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát và thực hiện mua bán điện không sử dụng lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Trường hợp này được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa đơn vị phát điện và khách hàng. Hình thức mua bán điện trực tiếp này cũng đã được triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hai là phương án, mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, hình thức này được thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Hình thức này khách hàng phải thanh toán giá trị sản lượng điện theo giá thị trường điện giao ngay cộng với khoản phí dịch vụ gồm: Giá dịch vụ phụ trợ, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện….Theo đó đơn vị phát điện phải là năng lượng tái tạo mới được phép bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Theo các doanh nghiệp, các ngành hành sản xuất rất mong cơ chế này sớm được phê duyệt, sẽ giúp các đơn vị tiêu thụ điện được sử dụng năng lượng xanh, đáp ứng được nhu cầu hội nhập và chủ động đảm bảo được phần nào lượng điện cung ứng cho dây truyền sản xuất trong mùa nắng nóng.
Điều này còn góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam;
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Nghị định chỉ tập trung vào đối tượng sản xuất, khách hàng tiêu dùng điện tái tạo (doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp).
Đồng thời, phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tính toán, công bố công suất điện tái tạo có thể huy động, truyền tải trên công suất nguồn điện nền, làm căn cứ để điều chỉnh giảm các nguồn điện than, điện khí trong quy hoạch.
>>Phát triển điện mặt trời mái nhà: Bài 2 - Đề xuất các giải pháp thực hiện
Trước những thông tin theo cơ chế mở cho doanh nghiệp như trên, các chuyên gia năng lượng cho biết, dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện khá đơn giản. Đó là người bán và người mua điện giao dịch trực tiếp với nhau, giá cả do 2 bên tự thỏa thuận. Khi đó khách hàng phải trả phí dịch vụ truyền tải, phân phối, vận hành, điều hành hệ thống điện…
Tuy nhiên, việc thực hiện được thị mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện không giới hạn công suất chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có quy định tính phí truyền tải và phí phân phối được tính đúng, tính đủ.
“Dự thảo hiện nay đưa vào chào giá mua bán trên thị trường bán buôn, không phải là mua bán trực tiếp. Bởi mua bán điện trực tiếp thì giá năng lượng phải được người bán và người mua tự quyết định chứ không phải để thị trường bán buôn quyết định như hiện nay. Và dây chỉ là cách thức vận hành thị trường bình thường không phải là mua bán trực tiếp” – Đại diện một chuyên gia thị trường điện cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển năng lượng tái tạo: "Cần cơ chế thiết thực cho doanh nghiệp"
21:20, 11/04/2024
Phát triển năng lượng tái tạo: "Lợi ích kép cho doanh nghiệp"
21:04, 11/04/2024
Cần cơ chế phù hợp cho phát triển… điện mặt trời mái nhà
04:00, 03/05/2024
Điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu”: Cân nhắc phương án khả thi
11:20, 12/05/2024
Khuyến nghị an toàn phòng cháy chữa cháy cho hệ thống điện mặt trời mái nhà
05:00, 25/04/2024