Thị trường Trung Quốc có thể gây "tổn thương" cho thương mại Việt Nam bởi dịch nCoV

Linh Nga 10/02/2020 00:54

Các số liệu thống kê cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2020 đã gặp nhiều khó khăn, dự báo tiếp tục chịu tác động lớn từ dịch virus corona...

Hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó ngay từ đầu năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó ngay từ đầu năm.

Theo số liệu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1/2020 sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 12/2019 và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 (số ngày làm việc trong tháng chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý).

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng 12/2019  và  tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 01/2019.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 1/2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.

Tuy Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, song Trung Quốc cũng đứng thứ 3 và là điểm đến quan trọng của 3 mặt hàng: nông sản, đồ gỗ, điện thoại di động và linh kiện. Trung Quốc hiện cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư với tổng giá trị 1,23 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2018.

Về nhập khẩu, Trung Quốc là trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng như máy móc, nguyên liệu sản dệt may, da giày, nhựa, hóa chất, thép, điện thoại di động và linh kiện.

Nguyên nhân chính dẫn đến xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm trong tháng 1 so với tháng 12/2019 và tháng 1/2019 là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thương mại, lý do chính khiến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm mạnh sau Tết Nguyên đán là do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.

Theo SSI Research, thị trường Trung Quốc có thể gây "tổn thương" cho Việt Nam trong bối cảnh dịch nCoV bùng phát. Nguyên nhân các nhà máy Trung Quốc chuyên sản xuất các nguyên liệu mà Việt Nam hay nhập khẩu chưa đi vào hoạt động.

Dự báo tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, thậm chí dịch bệnh corona có thể làm ảnh hưởng đến cả thị trường thứ 3. Ví dụ, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang EU, Hoa Kỳ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và cả thương mại nội địa.

Trước những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều giải pháp đã được đưa ra làm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Liên quan vấn đề khơi thông hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trước mắt, công tác điều tiết là hết sức quan trọng để tránh ùn ứ tại cửa khẩu. Bộ Công Thương đã thông báo với các tỉnh để điều tiết, tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế. Mặt khác, Bộ cũng đang tích cực triển khai các giải pháp tìm kiếm các thị trường thay thế và hướng vào thị trường trong nước.

Ông Chinh cho biết các ngành điện lực, ngân hàng, logistics... cũng đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi thông tin, việc tìm kiếm các thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để góp phần đa dạng hóa thị trường là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng là điều kiện tiên quyết để hàng hóa có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Lúc này, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tập trung vào chế biến và chế biến sâu, tập trung tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường Trung Quốc có thể gây "tổn thương" cho thương mại Việt Nam bởi dịch nCoV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO