Chính trị - Xã hội

Thích ứng với quy định suy thoái rừng

Nguyễn Việt 16/08/2024 21:14

Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 30/12/2024.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình xây dựng, khiến doanh nghiệp ngành gỗ trong trạng thái vừa đi vừa “dò đường”.

trồng rừng 1
Các doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững.

Theo quy định này, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo đại diện doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều quy định mới bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng, thúc đẩy phát triển sản xuất và bền vững đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ xuất khẩu.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh) đánh giá, quy định EUDR của EU là rào cản và thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ.

Đến nay, khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh rất lúng túng khi thực hiện quy định này.

Hiện nhiều đối tác ở châu Âu đã yêu cầu, nếu tiếp tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trong năm nay thì phải cung cấp hồ sơ sản phẩm, trong đó có bản đồ chuỗi cung ứng sản phẩm; định vị địa lý dưới dạng bản đồ đa giác hoặc tọa độ định vị GPS của vị trí khai thác gỗ; nguồn gốc gỗ; bằng chứng cho thấy các địa điểm gỗ khai thác không thuộc diện bị phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 30/12/2020.

“Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, vì phần lớn diện tích gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp chứng chỉ FSC (là một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu), nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu”, ông Lê Minh Thiện nói.

Một vấn đề khác được ông Lê Minh Thiện nêu ra, đó là việc về đánh giá xếp hạng Quốc gia dựa trên 3 nhóm. Nhóm liên quan đến rừng (cấp độ mất rừng, suy thoái rừng); Nhóm liên quan đến gia tăng diện tích canh tác; nhóm liên quan đến sự gia tăng sản lượng lâm sản.

Trên 3 nhóm này có đưa ra các tiêu chí, tuy nhiên các tiêu chí, các chỉ số đánh giá cụ thể, các phương pháp đánh giá quốc gia rủi ro hiện nay EU chưa quy định.

Ở góc độ quản lý, mặc dù thời điểm áp dụng đã cận kề, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn được đặt ra. Theo ông Đỗ Văn Chung, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên có rất nhiều dân tộc thiểu số, trong quá trình di cư, di dân, có nhiều diện tích đất rừng mà người dân canh tác chưa được cấp sổ đỏ.

trồng rừng 2
Sản xuất nông lâm kết hợp theo EUDR là có nguy cơ gây mất, suy thoái rừng.

Nếu thực hiện EUDR và yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đồng nghĩa cây trồng trên đất canh tác phải được cấp sổ đỏ, việc này sẽ ảnh hưởng đến một phần nào đó sinh kế của người dân tộc thiểu số rất lớn do ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu và giá cả sau này.

“Nếu thực hiện EUDR, vấn đề đặt ra là phía EU cũng như Việt Nam có giải pháp hỗ trợ nào cho khối người dân khu vực dân tộc thiểu số này khi họ khai thác tại các vùng đất chưa có chứng nhận sổ đỏ hay không?”, ông Đỗ Văn Chung đặt vấn đề.

Ông Đỗ Văn Chung nêu hàng loạt câu hỏi, như diện tích rừng canh tác tính từ thời điểm nào thì được cấp sổ đỏ? Diện tích canh tác lâu năm, hiện có nhiều tổ chức phát triển cà phê bền vững, khi họ trồng hệ thống cây trồng xen, đặc biệt là cây rừng thì ở mật độ bao nhiêu phần trăm cây rừng che bóng cho vườn cà phê hoặc các cây trồng khác?

Liệu, EU có chấp nhận cho họ xuất nguồn hàng hay không? Cần có giải pháp để tạo sinh kế cho những người đang canh tác trên mảnh đất đó? Làm thế nào để các nông hộ, hộ tiểu điền không bị đánh bật khỏi chuỗi cung?

Dưới góc độ chuyên gia, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends lưu ý, khi cơ quan thẩm quyền EU xác định doanh nghiệp không tuân thủ quy định của EUDR hay sản phẩm đang được kinh doanh hay xuất khẩu vào thị trường EU không tuân thủ EUDR, cơ quan này sẽ yêu cầu doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.

Nếu không thực hiện, các doanh nghiệp phải nộp phạt (tối đa 4% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm trước đó tại EU), bị tịch thu tiền và hàng hóa trong giao dịch vi phạm, cấm tham gia trong thời hạn 12 tháng vào các gói thầu mua sắm công hoặc các hoạt động sử dụng ngân sách công. Thậm chí, cấm tạm thời không cho phép doanh nghiệp đưa sản phẩm đó vào thị trường EU nếu vi phạm nặng.

“Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp và hiệp hội cần tích cực, chủ động phối hợp với Chính phủ và các ban ngành trong quá trình 18 tháng (hoặc 24 tháng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ) chuẩn bị trước khi EU chính thức áp dụng EUDR vào tháng 12/2024”, ông Tô Xuân Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thích ứng với quy định suy thoái rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO