Thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine: Giá lương thực khó "hạ nhiệt" ngay

CẨM ANH 24/08/2022 04:00

Sau khi thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine được ký kết, hàng loạt chuyến tàu chở ngũ cốc rời Ukraine đã "thắp lên" tia hy vọng giảm nhiệt giá lương thực toàn cầu.

>>Tia hy vọng mới đẩy lùi khủng hoảng lương thực toàn cầu

Ngày càng nhiều chuyến tàu chở ngũ cốc rời khỏi cảng Ukraine

Ngày càng nhiều chuyến tàu chở ngũ cốc rời khỏi cảng Ukraine

Bộ Nông nghiệp Ukraine thông báo tổng cộng 33 tàu chở khoảng 719.549 tấn lương thực đã rời nước này theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga- Ukraine do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong tháng 8 này có thể ở mức 4 triệu tấn, tăng so với mức 3 triệu tấn trong tháng 7.

Số liệu từ Trung tâm điều phối chung tại Thổ Nhĩ Kỳ - đơn vị giám sát thực hiện thỏa thuận nói trên - cho biết tổng số ngũ cốc và thực phẩm xuất khẩu từ 3 cảng của Ukraine ở Biển Đen kể từ khi đạt được thỏa thuận nói trên là 721.449 tấn. Cơ quan chức năng hy vọng 100 tàu cuối cùng sẽ có thể rời các cảng ở Odesa, Pivdennyi và Chornomorsk mỗi tháng..

Điều này đã góp phần làm giá của ngũ cốc và dầu đã trở lại mức thường thấy trước khi chiến sự Nga- Ukraine đột bắt đầu. Tuần trước, giá lúa mì tương lai tại Chicago giao tháng 12 đã giảm xuống còn 7,70 USD/giạ, thấp hơn nhiều so với mức 12,79 USD/giạ trong 3 tháng trước đó. Giá ngô cũng trở lại mức trước khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra. Trong khi đó, dầu cọ không chỉ giảm trở lại mức giá trước chiến sự Nga- Ukraine mà còn ở mức thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc giá lương thực giảm sẽ không gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng ngay lập tức. Trên thực tế, giá lương thực đã ở mức rất cao ngay cả trước khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra do nhiều yếu tố như nhiều năm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch, biến đổi khí hậu, hạn chế xuất khẩu lương thực... Do đó, không có gì đảm bảo rằng giá lương thực sẽ không tăng trở lại.

>>Căng thẳng Nga- Ukraine "leo thang" sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết

Tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 8/2022

Tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 8/2022

Bên cạnh đó, việc USD tăng giá mạnh trong năm nay do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn, khiến một số nền kinh tế thị trường mới nổi gặp khó khăn trong việc mua lương thực. Cụ thể, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 26% so với đồng USD trong năm nay và đồng bảng Ai Cập giảm 18% so với USD. Hai nước này nằm trong top 3 nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Thêm vào đó, ông Gennediy Ivanov, Giám đốc điều hành của Công ty hậu cần BPG Shipping nhận định, các chi phí logistics cũng là yếu tố làm giá ngũ cốc không giảm quá nhiều. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Ukraine cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như Romania và Bulgaria do các khoản phí bảo hiểm rủi ro.

"Ngoài ra, việc kiểm tra hàng hóa tốn nhiều thời gian ở Istanbul khiến các chủ tàu tính phí khách hàng Ukraine thêm từ 7 đến 9 ngày", ông Ivanov thông tin thêm. Điều này xuất phát từ việc yêu cầu của Nga trong thỏa thuận là tất cả các tàu ra vào Istanbul phải được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra để ngăn chặn bất kỳ loại vũ khí nào được vận chuyển đến Ukraine. Tất cả điều này có nghĩa là một tấn hàng rời khỏi các cảng ở Ukraine có giá cao hơn từ 25 đến 35 USD so với từ Romania.

Đánh giá về tình hình chung, ông Laura Wellesley, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Think tank Chatham House, nói với CNN: "Có thể chúng ta lại thấy giá lương thực tăng cao và mất an ninh lương thực, chắc chắn không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được khủng hoảng lương thực dù thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine đã được thực hiện". Chuyên gia này cũng chỉ ra, cuộc khủng hoảng lương thực ngày nay còn tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng lương thực vào các năm 2007-2008 và 2010-2012.

Các chuyên gia an ninh lương thực đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng địa chính trị rất lớn nếu các quốc gia liên quan không có hành động ngăn chặn. Đầu năm nay, thế giới đã chứng kiến tình trạng bất ổn chính trị ở Sri Lanka, bạo loạn và biểu tình diễn ra ở Kenya, Peru, Pakistan, Indonesia ... Đây là những dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Ông Heinz Strubenhoff, một nhà tư vấn từng làm việc nhiều năm cho Ngân hàng Thế giới tại Ukraine, cho biết ông tin rằng thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine sẽ chỉ tạo ra kết quả khả quan khi các đối tác quốc tế của Ukraine giúp gánh chịu các khoản phí bảo hiểm hàng hóa. “Nga luôn tìm cách để duy trì tình trạng không chắc chắn để giữ phí bảo hiểm ở mức cao nhằm tăng lợi thế. EU và Mỹ nên tìm cách trợ giúp Ukraine chi phí tái bảo hiểm, điều này sẽ làm cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tăng trở lại", chuyên gia này đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • “Mong manh” an ninh lương thực

    “Mong manh” an ninh lương thực

    12:00, 31/07/2022

  • Tia hy vọng mới đẩy lùi khủng hoảng lương thực toàn cầu

    Tia hy vọng mới đẩy lùi khủng hoảng lương thực toàn cầu

    04:30, 30/07/2022

  • Liên Hợp Quốc

    Liên Hợp Quốc "bế tắc" đàm phán, khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng hơn?

    15:07, 07/06/2022

  • Căng thẳng Nga- Ukraine

    Căng thẳng Nga- Ukraine "leo thang" sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết

    04:00, 24/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thỏa thuận ngũ cốc Nga- Ukraine: Giá lương thực khó "hạ nhiệt" ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO