Bất chấp căng thẳng, Mỹ - Trung vẫn đàm phán thương mại!

Cẩm Anh 09/05/2019 07:15

Tổng thống Donald Trump vừa bất ngờ thông báo cho Nhà Trắng rằng Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Mỹ để thực hiện một thỏa thuận về thương mại.

Phó Thủ tương Trung Quốc Lưu Hạc vẫn sẽ là thành viên của đoàn đàm phán tới Washington trong tuần này

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn sẽ là thành viên của đoàn đàm phán tới Washington trong tuần này

Theo dòng Twitter của Tổng thống, ông cho biết lý do khiến Trung Quốc rút lại và cố gắng đàm phán lại Hiệp định thương mại giữa hai nước là vì phái đoàn Trung Quốc hy vọng rằng họ có thể đàm phán với ứng cử viên Joe Biden hoặc với ứng cử viên nào đó thuộc đảng Dân chủ sẽ được bầu làm Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020.

"Và nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể "xé toạc" nước Mỹ trong những năm tiếp theo đó", ông viết trên Twitter cá nhân. Ông cũng cho biết thêm, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng sẽ tham gia phái đoàn đến Washington. Mặc dù có suy đoán rằng nếu Trung Quốc gửi một phái đoàn đến Mỹ lần này sẽ chủ yếu là các quan chức cấp thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • "Vết thương mới" trong thương chiến Mỹ - Trung

    16:25, 08/05/2019

  • Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại, mỹ phẩm: Không hợp lý, tận thu

    05:00, 08/05/2019

  • Thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng: Cơ hội nào cho Việt Nam?

    01:00, 08/05/2019

  • Ván cờ thương mại Mỹ - Nhật sẽ kết thúc ra sao?

    16:18, 04/05/2019

Giới quan sát cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, mọi đồn đoán về kết quả cuối cùng hiện đang là 50-50. Chưa có gì chắc chắn rằng Mỹ sẽ áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và cũng chưa có gì chắc chắn rằng một thỏa thuận sẽ được ký kết với thời hạn ngắn như vậy.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có thông tin nào từ phía Bắc Kinh cho thấy phái đoàn Trung Quốc sẽ mang bản dự thảo thỏa thuận nào đến Washington. Trước đó, Bắc Kinh đã gửi tới Washington phần sửa đổi dự thảo gần 150 trang có khả năng xóa sạch kết quả đàm phán nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo đó, sự đảo ngược của Trung Quốc làm suy yếu các yêu cầu cốt lõi của Mỹ. Cụ thể, trong bảy chương của dự thảo thỏa thuận, mỗi chương Trung Quốc đều xóa đi phần cam kết của nước này về việc thay đổi luật pháp vốn để giải quyết các cáo buộc chủ chốt khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại.

Những điều khoản bị xóa bao gồm đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, chuyển giao công nghệ ép buộc, chính sách về cạnh tranh, tiếp cận dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ. Động thái này đã làm yếu đi đáng kể cấu trúc lõi của thỏa thuận.  

Sự thay đổi của Trung Quốc đánh thẳng vào ưu tiên cao nhất của Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer. Ông luôn cho rằng việc Trung Quốc sửa đổi điều luật là cần thiết. Thay vì thỏa thuận thương mại thông thường, ông Lighthizer muốn thúc đẩy một cơ chế giám sát tương tự cách áp dụng trừng phạt kinh tế như với Triều Tiên hay Iran.

Về cơ bản, cách tiếp cận của ông Trump đã đẩy người Trung Quốc ra khỏi những hành vi thương mại của họ. Nhưng thay vì có nhiều hành động leo thang, trong hầu hết thời gian chiến tranh thương mại với Mỹ, các quan chức Trung Quốc đã phản ứng trong chừng mực tương đối, áp đặt mức thuế tương xứng nhưng tiết chế sự khoa trương của họ và duy trì đối thoại mạnh mẽ với các quan chức Mỹ.

Do đó, việc thay đổi thỏa thuận của Trung Quốc được đánh giá là đòn tấn công bất ngờ vào đội ngũ của ông Trump, đồng thời cho thấy Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước Mỹ trước thềm chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống năm 2020. Việc ứng cử viên Joe Biden đang chiếm ưu thế tại đảng Dân chủ có khả năng khiến Trung Quốc muốn "nằm im chờ thời".

Một nguồn tin trong phái đoàn đàm phán Mỹ đã cho biết, vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra rất kém vì Trung Quốc đã trở nên tham lam hơn. Các cuộc đàm phán tồi tệ đến mức nhiều quan chức Mỹ đã ngạc nhiên khi Tổng thống Trump đến Chủ nhật mới "bùng nổ".

Do đó, để tránh sự leo thang về thuế quan, Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một số yêu cầu khác của Mỹ, chẳng hạn như yêu cầu kiểm soát trợ cấp công nghiệp và quy trình phê duyệt đối với các loại cây trồng biến đổi gen.

Trong 10 vòng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng thực hiện thỏa thuận thương mại song phương nhằm khắc phục sự khác biệt về tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và mất cân bằng thương mại. Khi hai bên đạt được tiến bộ, ông Trump đã hai lần trì hoãn việc tăng mức thuế hiện tại đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25%.

Tuy nhiên, nhóm đàm phán của ông Trump đang đánh giá quá cao tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Trung Quốc. Có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị tổn hại nghiêm trọng. Có khả năng, Mỹ sẽ cần tìm biện pháp khác nếu thật sự muốn "trừng phạt" Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất chấp căng thẳng, Mỹ - Trung vẫn đàm phán thương mại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO