Thoái vốn nhà nước tại Hanel: Vì sao chậm trễ?

KHÁNH HÀ 06/07/2020 11:00

Năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong.

Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái đến hết năm 2020. Theo đó, 120 doanh nghiệp sẽ do cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước (các công ty thuộc bộ, UBND tỉnh) thực hiện thoái trong năm 2020. Hà Nội là địa phương có nhiều doanh nghiệp cần thoái vốn nhất với 28 doanh nghiệp trong đó có Công ty CP Hanel (Hanel).

Chưa xác định được thời điểm thoái vốn

Hanel tiền thân là Công ty Điện tử Hà Nội được thành lập vào năm 1984, Hanel được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Hanel theo Quyết định số 4950/QĐ-UBND năm 2010 của UBND TP. Hà Nội.

Đây là doanh nghiệp đầu tiên của TP. Hà Nội sản xuất các chủng loại thiết bị điện tử chuyên dụng và dân dụng, linh kiện điện tử và phụ tùng. Theo phương án cổ phần hóa, Hanel có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 29% vốn điều lệ, người lao động sẽ được mua ưu đãi 125.800 cổ phần; cổ đông chiến lược được mua 117,4 triệu cổ phần tương đương 61%, và chào bán công khai 19,13 triệu cổ phần ra công chúng.

HĐQT Hanel quán triệt việc thoái vốn phải hoàn thành trong quý III/2019

HĐQT Hanel quán triệt việc thoái vốn phải hoàn thành trong quý III/2019 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, tại phiên IPO diễn ra vào tháng 4/2016, chỉ 3,9 triệu cổ phần (tương ứng 20,4% lượng chào bán) được mua với giá bình quân 10.004 đồng/cổ phần. Không những thế, 2 nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là Công ty CP Công nghiệp Tiến Việt mua 36%, Công ty Sebrina Holdings của Singapore mua 25% cũng không thu xếp được nguồn vốn để thực hiện cam kết mua cổ phần. Vì vậy, mặc dù đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, song Nhà nước vẫn đang sở hữu tới 98% vốn điều lệ tại Hanel.

Tuy nhiên, "do còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần Nhà nước do việc thoái vốn bị kéo dài, đặc biệt trong công tác xác định giá trị cổ phần, không thể kết thúc trong năm 2018", báo cáo HĐQT trước thềm ĐHCĐ năm 2019 nêu đồng thời quán triệt việc thoái vốn Nhà nước phải thực hiện xong trong quý III/2019. Tuy nhiên, đến nay, lộ trình thoái vốn Nhà nước vẫn đang chậm.

Tại ĐHCĐ năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty. Đặc biệt, việc triển khai các chủ trương lớn của Hanel vẫn phải thông qua phê duyệt của UBND TP. Hà Nội (trước khi người đại diện vốn nhà nước biểu quyết tại cuộc họp HĐQT, ĐHĐCĐ) khiến tiến độ triển khai các dự án cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bị hạn chế.

Trong năm 2020, Hanel sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác thoái vốn Nhà nước, báo cáo UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc triển khai thoái vốn được hiệu quả.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về đối tác chiến lược mua lại phần vốn của UBND TP. Hà Nội, Chủ tich HĐQT Hanel cho biết, công ty cũng đã có một số cổ đông chiến lược, song công tác thoái vốn vẫn chưa thực hiện được.

Theo lộ trình, UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018. Mặc dù đã rất cố gắng tuy nhiên Công ty vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Nhà nước. Điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty nên công ty chưa xác định được thời điểm thoái vốn thành công.

Theo đó, do còn nhiều bất cập trong quy định Pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước và quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất nên việc thoái vốn bị kéo dài, đặc biệt là xác định giá khởi điểm cổ phần. Khi xác định được giá khởi điểm cổ phần, Hanel sẽ thực hiện chào bán cổ phần công khai để các nhà đầu tư trong và ngoài nước căn cứ vào đó để đầu tư vào Hanel.

Năm 2020, HĐQT Hanel đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 490,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận khoản thu từ Cuba) là 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 65,6% so với thực hiện năm 2019.

Theo Hanel, trong năm 2020, công ty dự kiến nộp bổ sung tiền thuê đất và chậm nộp tại Khu công nghiệp Sài Đồng B cho các năm 2018, 2019, 2020 khoảng 30 tỷ đồng, tương ứng làm giảm lợi nhuận so với kế hoạch trong trường hợp sản xuất kinh doanh bình thường như mọi năm.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực khách sạn, sản xuất, dịch vụ cho thuê văn phòng, phát triển các dự án bất động sản…. Đây là những lĩnh vực hoạt động chính và mang lại nguồn thu cho Hanel nên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận năm 2020. Dự kiến giảm lợi nhuận ít nhất 10 tỷ đồng do ảnh hưởng cuả dịch bệnh.

Hanel có gì?

Theo thống kê, Hanel hiện đang quản lý, phát triển nhiều dự án với quỹ đất lên tới hàng trăm hecta ở nội, ngoại thành Hà Nội.

Một số lô đất rất có giá trị như: lô đất tại 36 Hàng Bông, Hoàn Kiếm diện tích 92,89 m2; số 2 Chùa Bộc, Đống Đa diện tích hơn 2.660 m2; Khu công nghiệp Sài Đồng B tại quận Long Biên với diện tích 24,2 ha; Dự án Khu đô thị khoa học, công nghệ, tài chính Hanel - Tân tạo rộng 270 ha với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại huyện Gia Lâm; Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với tổng diện tích hơn 43 ha; điểm thông quan Cảng cạn Cổ Bi với diện tích 19,2 ha.

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), Hanel đang hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng HUD3 triển khai dự án thương mại trên diện tích 6.000 m2 tại 60 Nguyễn Đức Cảnh. Ngoài ra, Công ty đã chuyển đổi thành công khu đất 4.300 m2 tại 409 Lĩnh Nam sang xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng dịch vụ.

Tại Lô 02-E9 đường Phạm Hùng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, Công ty đang hợp tác với Công ty CP Đầu tư Alphanam với tỷ lệ 20% - 80% để triển khai tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng cao 45 tầng. Khi hoàn thành, Alphanam sẽ được thuê 65% diện tích của Dự án trong 45 năm tương ứng với tỷ lệ góp vốn 80% (1.097 tỷ đồng) để thực hiện xây dựng Dự án. Không chỉ vậy, Hanel và Đầu tư Alphanam còn hợp tác triển khai Dự án Khu đô thị Hanel - Alphanam quy mô lên tới 53,5 ha tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Hai bên sẽ thành lập liên doanh phát triển Dự án, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền vay từ Công ty CP Đầu tư Alphanam.

Mặc dù sở hữu quỹ đất dồi dào, tại nhiều vị trí đắc địa, song hiệu quả kinh doanh của Hanel lại không mấy khởi sắc sau giai đoạn cổ phần hóa.

Năm 2018 công ty đạt hơn 750 tỷ đồng tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 178,2 tỷ đồng. Năm 2019, Hanel thu về 476 tỷ đồng doanh thu, giảm 36,5% so với năm 2018 và chỉ đạt 60,4% so với kế hoạch năm 2019.

Giải trình nguyên nhân tổng doanh thu của công ty không đạt chỉ tiêu, ban lãnh đạo Hanel cho biết, doanh thu xuất khẩu sang đối tác Cuba không đạt được như kỳ vọng, chỉ đạt 25,7% so với kế hoạch, tương đương 20 tỷ đồng. Tình hình kinh tế Cuba gặp nhiều khó khăn, phía Cuba chậm chuyển trả thanh toán cho công ty.

Bên cạnh đó, phía đối tác Grupo De La Electronica chậm thanh toán kỳ tháng 8/2018 đến hết năm 2019 tổng số tiền 23,6 triệu USD, tương đương 545 tỷ đồng.

Một số dự án công nghệ thông tin của Công ty cũng không được triển khai theo đúng kế hoạch đặt ra trong năm qua.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do tình hình khó khăn chung trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế, do vậy doanh thu bán hàng hoá của công ty trong năm sụt giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp chào sàn UPCoM, Hanel có gì hấp dẫn?

    Sắp chào sàn UPCoM, Hanel có gì hấp dẫn?

    00:00, 07/02/2020

  • Vì sao Hanel chậm lên sàn?

    Vì sao Hanel chậm lên sàn?

    14:47, 02/01/2020

  • Hanel Plastics: Chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

    Hanel Plastics: Chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

    15:50, 17/11/2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thoái vốn nhà nước tại Hanel: Vì sao chậm trễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO